Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 03/10/2023 11:21 GMT+7

Tập trung nguồn lực nâng cao đời sống các đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người

Biên phòng - Ngày 24-6, tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và tỉnh Nghệ An đã phối hợp tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện chính sách pháp luật phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người, thực trạng và giải pháp.

le-nhu-duc
Thiếu tướng Lê Như Đức phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Viết Lam

Các đồng chí: Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương tham dự hội thảo. Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP dự và phát biểu tham luận.

Báo cáo tại hội thảo, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trình bày tóm tắt về thực trạng kinh tế - xã hội nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và định hướng chính sách trong giai đoạn 2021-2025. Theo tiêu chí đưa ra, hiện nước ta đang có 16 dân tộc thiểu số là dân tộc rất ít người hiện đang sinh sống trên địa bàn 37 huyện của 12 tỉnh trên cả nước.

hzx8_1
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Viết Lam

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách, chương trình, dự án triển khai đến vùng dân tộc và miền núi đặc biệt là ở địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số ít người sinh sống. Nhờ vậy đời sống của đồng bào các dân tộc nhìn chung, dân tộc thiểu số ít người có nhiều thay đổi, cải thiện. Các chương trình, dự án như: 135, 134, 167, 30a… đã tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở tại các địa phương khó khăn, vùng đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số ít người.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn tồn tại trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với các dân tộc thiểu số và dân tộc thiểu số rất ít người. Cụ thể, hầu hết các địa phương không xây dựng các chính sách riêng hỗ trợ phát triển cho các dân tộc này mà thực hiện theo các chương trình, chính sách chung nên chưa giải quyết triệt để những khó khăn nảy sinh từ thực tiễn. Quá trình phân bổ nguồn vốn để thực hiện các chương trình, dự án còn hạn chế, nhiều đề án chậm được triển khai do bố trí vốn còn chậm. Điều kiện ngân sách hạn hẹp kéo theo sự chậm trễ khi thực hiện nhiều chương trình, dự án. Do vậy, nhiều năm qua đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người vẫn là cộng đồng đói nghèo nhất, gặp khó khăn nhiều nhất;  tỷ lệ hộ nghèo cao, có nơi còn chiếm trên 83% (dân tộc La Hủ); số hộ thiếu điện sinh hoạt có nơi trên 40% (dân tộc Lô Lô); hơn 3.300 hộ thiếu đất sản xuất...

tong-thi-phong
Đồng chí Tòng Thị Phóng trao đổi với các đại biểu bên lề hội thảo. Ảnh: Viết Lam

Phát biểu tại hội thảo, đại biểu các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã chỉ rõ thực trạng, nguyên nhân, kiến nghị, giải pháp nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người.

Viết Lam

Bình luận

ZALO