Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:53 GMT+7

Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người

Biên phòng - Ngày 24-6, tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và UBND tỉnh Nghệ An đã phối hợp tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện chính sách pháp luật phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người, thực trạng và giải pháp. Tham luận của các đại biểu tại hội thảo đã khẳng định chủ trương đúng đắn, hiệu quả của các chương trình, dự án mà Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc thiểu số rất ít người nói riêng. Phóng viên Báo Biên phòng xin ghi lại một số ý kiến tại hội thảo.

2x5c_12-5

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội: Những năm qua, quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, công tác dân tộc đã được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Bên cạnh việc thể chế hóa Hiến pháp 2013 về lĩnh vực dân tộc, Nhà nước tiếp tục dành nguồn lực đầu tư phát triển thông qua các chương trình, dự án như Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 69 huyện nghèo và 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; chính sách định canh, định cư; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn... Qua đó, đã tạo động lực phát triển toàn diện cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người nói riêng. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác dân tộc còn tồn tại nhiều bất cập, trong đó, sự phối hợp của các cấp, ngành còn chưa đồng bộ. Đơn cử như vấn đề phân bổ nguồn vốn, giám sát việc thực hiện chính sách, đảm bảo đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con gặp nhiều bất cập. 

Trước sự thay đổi của thực tiễn, đòi hỏi cần xây dựng các chính sách đặc thù, phù hợp với sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong thời kỳ mới với nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, tạo sinh kế, đảm bảo đất ở, đất sản xuất, đảm bảo quốc phòng - an ninh, chăm lo lĩnh vực y tế - giáo dục và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của 16 dân tộc rất ít người trên cả nước. 

Ngay sau hội thảo này, tôi thấy cần có các chương trình giám sát chuyên đề mà nội dung sẽ được báo cáo và ghi trong dự thảo Nghị quyết. Cần thiết sẽ phải làm việc với các bộ, ngành, địa phương, đối tượng được thụ hưởng chính sách, các chuyên gia hoạch định chính sách một cách chặt chẽ hơn nữa; phải có phiên làm việc liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội. 

a6lq_12-1

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An: Trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đưa ra, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước phát triển đáng ghi nhận. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3 đến 4%/năm. Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố, 100% thôn, bản có đảng viên, có chi bộ, an ninh chính trị tiếp tục được giữ vững.

Tuy nhiên, nhìn chung, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn, trên 200 thôn bản chưa có điện lưới quốc gia. Các thế lực thù địch  tiếp tục lợi dụng về vấn đề “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để hoạt động chống phá; tình trạng di cư tự do, buôn bán ma túy diễn biến phức tạp; tình trạng tảo hôn cận huyết thống vẫn còn diễn ra; vấn đề giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn là thách thức lớn... 

Địa bàn tỉnh Nghệ An có 2 dân tộc thiểu số rất ít người là Đan Lai và Ơ Đu sinh sống ở nhiều địa bàn khác nhau. Bà con vẫn còn duy trì nhiều hủ tục; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra; tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao... Để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các chính sách, chương trình đối với cộng đồng dân tộc thiểu số rất ít người, thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ tập trung các nguồn lực, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bền vững, thiết thực, qua đó vừa hỗ trợ, vừa đồng hành để cộng đồng dân tộc thiểu số vươn lên.

h9yw_12-4
Nhãn

Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP: Trong những năm qua, lực lượng BĐBP luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Không những vậy, cán bộ, chiến sĩ BĐBP còn là “bà đỡ” giúp đồng bào các dân tộc định cư ở khu vực biên giới phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao cuộc sống.

Cùng với sự đầu tư vĩ mô của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, lực lượng BĐBP đã chung tay, góp sức để bảo tồn, phát triển đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người ở địa bàn biên giới. Dấu ấn của người lính Biên phòng thể hiện đậm nét nhất cùng với sự thay đổi về nhận thức, cuộc sống của đồng bào dân tộc La Hủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), Đan Lai (huyện Con Cuông, Nghệ An), Chứt (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh)...

Để tạo nên sự đổi thay lớn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người nói riêng, Bộ Tư lệnh BĐBP đã đầu tư lớn về nguồn kinh phí, nhân lực trong cả thời gian dài thông qua các dự án, chương trình có tính bền vững như: “Mái ấm biên cương”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Nâng bước em tới trường”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”...

Đặc biệt, BĐBP đã tăng cường hàng trăm cán bộ về các xã biên giới, phân công hàng nghìn đảng viên Biên phòng về sinh hoạt Đảng tại các chi bộ cơ sở để củng cố hệ thống chính trị tại địa phương. Những việc làm của BĐBP đang góp phần làm cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người ngày càng được nâng lên về mọi mặt. Để từ đó, họ cùng sát cánh với BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. 

Đồng chí Ra Ba Thành, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kon Tum: Địa phương chúng tôi có 2 dân tộc thiểu số rất ít người là Rơ Măm và Brâu. Từ chỗ chỉ canh tác bằng hình thức chọc, trỉa lúa trên nương rẫy, giờ đây, với sự đầu tư của chính quyền địa phương, đồng bào Rơ Măm và Brâu đã biết trồng mỗi năm 2 vụ lúa, ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng cây công nghiệp. Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục được đầu tư về nơi định cư đã làm cho cuộc sống đồng bào được cải thiện rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước cần quan tâm bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù về cơ sở hạ tầng; hỗ trợ tạo điều kiện để người dân nâng cao kiến thức, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền và các dân tộc thiểu số với nhau; có chính sách phù hợp để bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của người dân tộc thiểu số rất ít người Rơ Măm và Brâu.

Bên cạnh đó, hỗ trợ nghiên cứu tiếng nói, chữ viết để truyền dạy cho các thế hệ tương lai, tránh sự mai một về sau; tiếp tục đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông đến địa bàn định cư của đồng bào 2 dân tộc thiểu số rất ít người nói trên, giúp họ có điều kiện giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa với các vùng miền khác...

zvt5_12-3

Đồng chí Trần Hữu Chí, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu: Tỉnh Lai Châu có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 5 dân tộc thiểu số rất ít người gồm La Hủ, Mảng, Cống, Lự và Si La định cư ở những địa bàn khó khăn, tỉ lệ đói nghèo còn rất cao. Trong những năm qua, Lai Châu được đón nhận nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước để chăm lo cho đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người nói riêng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, chúng tôi vẫn nhận thấy những hạn chế, tồn tại, đó là nguồn vốn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào sự phân bổ của Trung ương.

Trong khi đó, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, hệ thống hạ tầng được đầu tư song không đồng bộ, về mùa mưa, sạt lở nhiều thường gây ách tắc giao thông. Sự tham gia góp sức của người dân vào thực hiện các đề án còn ít, chưa đạt được hiệu quả, vì vậy, tỉ lệ đói nghèo của 5 dân tộc này vẫn còn cao. Cùng với đó, còn rất nhiều nỗi lo lớn như địa bàn định cư của đồng bào các dân tộc chủ yếu ở khu vực rừng đầu nguồn, việc mưu sinh của họ đang có tác động không nhỏ đến môi trường. Các thế lực thù địch cũng tìm cách đưa văn hóa ngoại lai du nhập vào đời sống đồng bào hòng làm “biến dạng” truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Sự xâm nhập của tệ nạn xã hội tác động đến chất lượng dân số... 

Viết Lam (thực hiện)

Bình luận

ZALO