Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:08 GMT+7

Tập trung nguồn lực cho phát triển vùng dân tộc thiểu số

Biên phòng - Trong khuôn khổ Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã thảo luận Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021- 2025. Qua thảo luận, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết xây dựng Đề án để tập trung đầu tư nguồn lực, nhân lực xây dựng vùng DTTS&MN, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh bảo vệ môi trường sinh thái, đưa vùng “lõi nghèo”phát triển bền vững dần tiến kịp với các vùng có điều kiện phát triển.

cpmd_5a
BĐBP Hà Tĩnh vận động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức xây dựng nhà ở kiên cố cho đồng bào dân tộc Chứt, ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: V.H

Giảm tỷ lệ hộ nghèo 3% đến 5% mỗi năm

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ QH, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, nước ta có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với 3,04 triệu hộ, 13,38 triệu người, sinh sống tại 51 tỉnh, thành phố ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Tây duyên hải miền Trung. Đây là những khu vực có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước, nhưng điều kiện kinh tế - xã hội phát triển chậm, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Nguyên nhân của tình trạng này là do vùng đồng bào DTTS&MN có địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng kém nhất cả nước, xuất phát điểm rất thấp; biến đổi khí hậu, sự cố môi trường diễn ra nghiêm trọng; nguồn lực đầu tư phân tán, dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp. Không khai thác được tiềm năng, lợi thế của vùng...

Theo Đề án, mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người DTTS tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020; hằng năm giảm 3% đến 5% tỷ lệ hộ nghèo; giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn; 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với năm 2020; trên 90% đường thôn, bản được cứng hóa; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đáp ứng yêu cầu; 100% các tỉnh vùng đồng bào DTTS&MN giữ vững kết quả phổ cập giáo dục các cấp học; trên 90% trạm y tế xã đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; trên 90% phụ nữ được khám thai ít nhất 3 lần trong kỳ mang thai, sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 8%...

Thảo luận Đề án, đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH tán thành với sự cần thiết xây dựng Đề án khi vùng đồng bào DTTS&MN đang còn khó khăn với nhiều chỉ tiêu thấp nhất cả nước như: chất lượng nguồn nhân lực thấp, kinh tế - xã hội phát triển chậm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp và có tỷ lệ người nghèo cao, là khu vực thường xuyên gánh chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. “Khoảng cách phát triển, mức thu nhập bình quân của người DTTS so với mặt bằng chung cả nước ngày càng lớn. Do đó, cần phải có chính sách đủ mạnh để đầu tư cho vùng này nhằm thực hiện mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức thu nhập” - đồng chí Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh.

Đầu tư xóa"vùng lõi" nghèo

Theo đồng chí Hà Ngọc Chiến, không phải vùng đồng bào DTTS&MN nào cũng có trình độ phát triển thấp, nhiều vùng DTTS nằm ở các xã, phường, thành phố có tốc độ phát triển cao. Nhưng ngược lại, nhiều vùng đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có điều kiện đặc biệt khó khăn. Do đó, đề nghị Chính phủ sớm thực hiện việc xây dựng bộ tiêu chí phân định khu vực miền núi vùng cao; phân định vùng DTTS&MN theo trình độ phát triển trình Ủy ban Thường vụ QH ban hành để làm căn cứ xác định phạm vi, địa bàn tác động của Đề án, theo hướng tập trung vào “vùng lõi” của vùng DTTS&MN để ưu tiên nguồn lực cho những xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, để đầu tư các hạng mục hạ tầng cơ sở thiết yếu, đặc biệt là giao thông, điện, nước sinh hoạt, bảo đảm an sinh xã hội và tạo sinh kế bền vững cho người dân.

cinq_5b
Cán bộ BĐBP Gia Lai hướng dẫn đồng bào DTTS trên địa bàn cách trồng lúa nước, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: V.H

Đồng tình với quan điểm này, đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH đánh giá cao Đề án của Chính phủ, song đề nghị rà soát kỹ để bảo đảm tính khả thi, cụ thể, tránh việc đề ra Đề án rồi lại không thực hiện được như mong muốn. “Cần đầu tư vào “vùng lõi” nghèo, những điểm hiện nay đang yếu nhất của đồng bào DTTS. Đề án cần giải quyết những khó khăn, bức xúc nhất của đồng bào; đó là nước, đất, điện và giao thông... Đồng thời, cần chia theo các vùng xem từng vùng thiếu thốn, khó khăn gì, từ đó mới có thể chỉ ra những cái cụ thể để thực hiện” - Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị.

Cũng theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, một số mục tiêu trong Đề án “hơi tham vọng quá”, khó thực hiện. Mục tiêu tăng thu nhập của người dân lên 2,5 lần trong 5 năm tới là quá cao; đến năm 2025, đường ở thôn, bản được cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải khó có thể thực hiện được...

Còn đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH cũng cho rằng, giải pháp tổ chức thực hiện Đề án chưa thật sự được đầu tư đúng mức, cần “gia cố” thêm nguồn lực. Cùng với đó, quy định trách nhiệm để bảo đảm tính khả thi, trong đó nêu rõ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Phải xác định đầu tư vào vùng DTTS&MN có tính lâu dài, liên tục và cả sự hỗ trợ; gắn với phát triển bền vững, gắn với an ninh - quốc phòng, gắn với chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia... Đặc biệt, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng...

Đối với nguồn nhân lực cho phát triển vùng DTTS&MN cũng được nhiều đại biểu quan tâm, bởi hiện nay, những vùng này rất khó thu hút nhân lực có chất lượng. Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH cho rằng, Đề án cần có chính sách mạnh mẽ để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, bởi nhân lực là vấn đề cốt lõi để thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển vùng.

“Đề án cần đi vào các chính sách thực tế người dân cần và nguồn lực đầu tư phải căn cứ điều kiện thực tế; cơ chế chính sách vướng gì thì đề xuất khắc phục để mục tiêu lớn nhất là nâng cao đời sống nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, góp phần giữ đất, giữ rừng và giữ ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh...” - Thượng tướng Võ Trọng Việt nhấn mạnh.

Phương Thảo

Bình luận

ZALO