Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 13/09/2024 12:37 GMT+7

Tập trung mọi biện pháp để chấm dứt hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp

Biên phòng - Bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đầu năm 2022 đến nay, BĐBP Nghệ An đã đạt được kết quả nổi bật trong việc ngăn chặn, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Cán bộ BĐBP Nghệ An phát tờ rơi tuyên truyền, vận động ngư dân trên địa bàn chấp hành tốt các quy định trong quá trình khai thác hải sản. Ảnh: Mạnh Thường

Tỉnh Nghệ An có vùng biển rộng 4.230 hải lý vuông với đường bờ biển dài 82km, chạy qua 3 huyện (Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu) và 2 thị xã (Cửa Lò, Hoàng Mai). Dọc bờ biển có 6 cửa lạch (Lạch Quèn, Lạch Cờn, Lạch Thơi, Lạch Vạn, Cửa Lò và Cửa Hội), là nơi thuận lợi cho tàu thuyền ra vào, neo đậu và hoạt động mua bán, kinh doanh. Tổng số tàu cá toàn tỉnh tính đến tháng 10/2022 là 3.420 phương tiện/16.982 lao động khai thác hải sản. Số phương tiện có chiều dài trên 6m là 2.523 chiếc, trong đó, số lượng tàu đánh bắt xa bờ trên 15m là 1.159 phương tiện. Với tiềm năng sẵn có của mình, nghề khai khác hải sản giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển của tỉnh Nghệ An.

Theo Đại tá Nguyễn Công Lực, Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ An, trước thực trạng vẫn còn tàu cá của ngư dân nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Nghệ An vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An về chống IUU, từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, công văn chỉ đạo các đồn, trạm Biên phòng tuyến biển tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động liên quan đến IUU.

Trong 9 tháng của năm 2022, các đồn Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với các địa phương và các lực lượng tổ chức tuyên truyền trên loa phát thanh của phường, xã được 274 đợt, tổ chức tuyên truyền tập trung tại các thôn, xóm cho ngư dân với 176 buổi/3.735 lượt người tham gia, phát 25.000 tờ rơi tuyên truyền và yêu cầu hơn 1.720 chủ phương tiện viết cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản.

Đối với công tác quản lý, tuần tra, kiểm soát tại các cửa sông, cửa lạch, các đơn vị của BĐBP Nghệ An thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, kịp thời xử lý, ngăn chặn các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, các hoạt động gây mất an toàn giao thông hàng hải.

Thượng tá Đậu Đình Thành, Phó Tham mưu trưởng BĐBP Nghệ An cho biết, các đơn vị tuyến biển đã kiểm soát việc đăng ký, kiểm chứng, làm thủ tục xuất nhập tại các cửa sông, cửa lạch được 35.641 lượt phương tiện/176.844 lượt người. Đồng thời, phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của BĐBP ở các cửa sông, cửa lạch, những nơi trọng yếu, phức tạp, nơi có lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa ra vào, qua lại khu vực biên giới biển số lượng lớn.

Các đồn, trạm Biên phòng luôn duy trì quân số thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động của người, phương tiện trên biên giới biển theo đúng quy định. Các phương tiện xuất nhập lạch đều được quản lý, đăng ký theo dõi chặt chẽ. Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát, BĐBP đã thường xuyên cập nhật, đăng ký ghi chép đầy đủ theo mẫu quy định. Do vậy, hệ thống sổ sách đăng ký, theo dõi người, phương tiện xuất nhập lạch cơ bản đảm bảo theo quy định.

Thực hiện quyết định của UBND tỉnh về việc thành lập tổ công tác liên ngành làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá của tỉnh Nghệ An, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị tuyến biển cử các đồng chí có năng lực, trách nhiệm tham gia tổ liên ngành tại các cảng cá Quỳnh Phương, Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu), Lạch Vạn (huyện Diễn Châu) và Cửa Hội (thị xã Cửa Lò). Đồng thời, triển khai lắp đặt các hệ thống camera tại trạm kiểm soát Biên phòng, cảng cá để theo dõi các hoạt động xuất nhập lạch, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm về hoạt động khai thác thủy sản.

Cán bộ BĐBP Nghệ An tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. Ảnh: Mạnh Thường

Từ đầu năm 2022 đến nay, các tổ công tác liên ngành đã tiến hành kiểm tra 1.529 lượt tàu cá rời cảng,1.538 lượt tàu cá cập cảng với tổng sản lượng thủy sản lên bến, cảng cá là 2.863,61 tấn. Thường xuyên kiểm tra việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản, kiểm tra, kiểm soát việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác trong nước không vi phạm về IUU tại cảng cá. Qua đó, BĐBP Nghệ An đã phát hiện, xử lý 7 chủ tàu về hành vi “Không duy trì thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển” với số tiền 175 triệu đồng.

Song song với các hoạt động trên, các đơn vị tuyến biển của BĐBP Nghệ An thường xuyên tổ chức lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát trên các cửa sông, cửa lạch, vùng biển để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Tập trung vào các hành vi vi phạm các quy định về thủ tục giấy tờ, đăng ký, đăng kiểm, giấy phép, bằng, chứng chỉ chuyên môn; vi phạm luồng lạch, sử dụng ngư lưới cụ không theo quy định và sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ trái phép... để đánh bắt hải sản. Kết quả, đã xử lý 59 vụ/78 đối tượng/78 phương tiện, xử phạt vi phạm hành chính 605 triệu đồng, thu giữ 16 bộ công cụ kích điện, 81m dây điện.

Với tinh thần quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và ngư dân, BĐBP Nghệ An đang góp phần tích cực phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp và đi đến chấm dứt tình trạng này trong thời gian tới. Qua đó, những người lính Biên phòng đang chung tay cùng cả nước phát triển bền vững ngành thủy sản.

Mạnh Thường

Bình luận

ZALO