Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:05 GMT+7

Tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp miền Trung sau thiên tai

Biên phòng - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ước tính, tổng thiệt hại kinh tế do bão lũ tại các tỉnh miền Trung từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 11-2020 là trên 30.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Để phục hồi sản xuất nhanh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn, Bộ NN&PTNT đã đề ra các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài.

Cán bộ chiến sĩ BĐBP Quảng Trị giúp người dân sửa chữa nhà bị hư hỏng do bão trong tháng 11-2020. Ảnh: Mạnh Hùng

Thiệt hại nặng nề

Trong khoảng 2 tháng (từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11), bão, lũ xảy ra liên tiếp tại 11 tỉnh miền Trung (từ Nghệ An đến Khánh Hòa) với quy mô rộng lớn, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” chưa từng có trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân.

Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT khu vực miền Trung đã hứng chịu 9 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới. Riêng trong tháng 10 đã có 4 cơn bão (số 6, 7, 8, 9) và 1 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta (đây là tháng có số lượng cơn bão nhiều nhất trong 37 năm gần đây kể từ năm 1983); đặc biệt cơn bão số 9 mạnh nhất trong 20 năm qua đổ bộ vào các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định; mưa lớn vượt lịch sử năm 1999, nhiều nơi trên 3.000mm, gây lũ trên 16 tuyến sông chính tại khu vực, trong đó 4 tuyến sông chính đã vượt mức lũ lịch sử, gây ngập lụt kéo dài.

Mưa lũ đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản. Theo báo cáo của các địa phương, đã có 1.531 ngôi nhà bị sập đổ; 239.341 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bị tổn thương nghiêm trọng và thiệt hại rất nặng nề với 4.000ha lúa, 7.600ha hoa màu, 139.565 ha rừng, 12.672ha nuôi thủy sản bị thiệt hại; 38.500 con gia súc, 3.214.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Ngoài ra, 165km đê biển, cửa sông bị sự cố; 45,9km kè bị hư hỏng; 88 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài là 141km.

Tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực

Ngay sau khi bão lũ xảy ra, Bộ NN&PTNT cùng với các bộ ngành đã thực hiện các giải pháp ứng phó, hỗ trợ khẩn cấp cho các tỉnh miền Trung. Để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, Chính phủ đã xuất cấp 15.804 tấn gạo, Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ 23 tấn hạt giống ngô và 15,8 tấn hạt giống rau cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đã huy động nguồn xã hội hóa hỗ trợ 13 tấn lúa, ngô giống các loại, để giúp người dân 4 tỉnh trên. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỷ đồng cho 9 tỉnh miền Trung; Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã kêu gọi các tổ chức quốc tế và một số quốc gia (Hoa Kỳ, Hàn Quốc...) hỗ trợ tiền và hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 21,53 triệu USD (tương đương với 500 tỷ đồng).

Sau giai đoạn hỗ trợ khẩn cấp, vấn đề bức thiết nhất là thúc đẩy khôi phục sản xuất nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực nhất là tập trung chuẩn bị ngay cho việc triển khai sản xuất vụ Đông Xuân sắp tới.

Quan điểm của Bộ NN&PTNT trong công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống của nhân dân là: Không để người dân bị thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt. Tạo mọi nguồn lực để người dân sớm ổn định sản xuất. Tập trung sản xuất những nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ kịp thời ngay trong dịp Tết nguyên đán. Đảm bảo vệ sinh môi trường, không để lây lan dịch bệnh trong chăn nuôi. Khử trùng và xử lý môi trường chăn nuôi. Sản xuất đảm bảo phù hợp với mùa vụ và thời tiết (tránh nuôi thả giống vào thời điểm quá lạnh, môi trường chưa sẵn sàng).

Đồng thời xem xét bổ sung nhiệm vụ khuyến nông trung ương đột xuất, đặc thù giúp các tỉnh miền Trung xây dựng các mô hình điểm, khắc phục sản xuất sau bão, lũ ngay từ vụ Xuân năm 2021; xây dựng mô hình phục hồi chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản sau lũ.

Theo Bộ NN&PTNT, các giải pháp chính cần tập trung thực hiện ngay: Phục hồi nhanh đời sống của người dân; làm sạch môi trường; khôi phục thiết chế hạ tầng và sản xuất. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, để khắc phục hậu quả các đợt bão lũ liên tiếp vừa qua phải dồn hết sức lực tổng thể cả về vật lực và nhân lực để triển khai nhanh các nhóm giải pháp ngắn hạn, dài hạn, trung hạn và trước mắt phấn đấu từ nay đến Tết âm lịch phải phục hồi cho người dân đảm bảo đời sống.

Trong đó, cần chú trọng tạo sinh kế trước mắt từ nay đến Tết bằng các sinh kế trồng trọt rau màu; phục hồi chăn nuôi ngắn ngày bằng các giống gia cầm, gia súc; tập trung phục hồi các thiết chế công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng, giải phóng mặt bằng đồng ruộng bị bồi lấp trong đợt mưa lũ vừa qua để sản xuất vụ Đông - Xuân. Chuẩn bị giống tốt nhất và vật tư để bà con tổ chức sản xuất, để lấy vụ sản xuất tới bù đắp vào những thiệt hại do thiên tai gây ra.

BĐBP Quảng Trị phối hợp với các tổ chức thiện nguyện trao con giống làm sinh kế cho người dân chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ. Ảnh: Phan Vĩnh

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát thiệt hại, làm sạch môi trường chăn nuôi, xử lý nước sinh hoạt hộ gia đình. Đồng thời rà soát quy hoạch lại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại và khôi phục sản xuất. Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, kiên quyết di dời các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản ra khỏi vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, biến động môi trường. Xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển, gia cố đê điều sung yếu, bị sạt lở do bão và mưa lũ vừa qua. Tiếp tục đầu tư kiên cố hóa kênh mương, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình tiêu thoát nước; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng để bảo đảm chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, ngập lụt, úng. Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ giống, thức ăn, vật tư chăn nuôi hỗ trợ người dân sớm khôi phục sản xuất; bàn giao giống cho các địa phương theo từng đợt trên cơ sở các doanh nghiệp, đơn vị đã đăng ký hỗ trợ…

Về lâu dài, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể: Quy hoạch lại sản xuất phù hợp với điều kiện vùng lũ, nguy cơ sạt lở cao; chuyển đổi đất, cây trồng, thời vụ; chăn nuôi, chăn nuôi đại gia súc; xây dựng, quy hoạch xử dụng đất; xử lý môi trường sau thiên tai; đầu tư hạ tầng sản xuất, bao gồm: Hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai bền vững; xây dựng các hồ chứa thủy lợi lớn, đa mục tiêu,... đảm bảo khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước, phòng chống lũ hạ du; Hạ tầng bảo đảm thoát lũ nhanh.

Bộ NN&PTNT cho biết sẽ nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về công tác khắc phục hậu quả thiên tai để giải quyết một số vấn đề trước mắt cũng như lâu dài đã bộc lộ sau đợt thiên tai vừa qua.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO