Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 09/09/2024 10:57 GMT+7

Tập trung đầu tư y tế cơ sở

Biên phòng - Đến thời điểm này, 98,7% các xã trong cả nước có trạm y tế, 84% trạm y tế xã có bác sĩ, 72,7% thôn/bản có nhân viên y tế hoạt động và khoảng 90% trạm y tế xã đã thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo các chuyên gia y tế, đại dịch Covid-19 càng cho chúng ta thấy rõ hơn vai trò quan trọng của y tế cơ sở trong việc điều trị và theo dõi các trường hợp bệnh nhẹ, kiểm soát và ngăn chặn bùng phát và lây lan ca nhiễm tại cộng đồng, nhanh chóng và cách ly toàn bộ các trường hợp nghi ngờ để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.

Tuy nhiên, trong đợt dịch lần thứ 4, mạng lưới y tế phường, xã, thị trấn đã bộc lộ những bất cập, hạn chế trong đảm nhiệm vai trò là tuyến đầu tiên của bậc thang điều trị, “người gác cổng” trong mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế, là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh.

Kết quả giám sát về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, ước tính cả nước hiện vẫn còn khoảng 35% số trạm y tế xã cần được đầu tư; trong đó, 31% trạm y tế là ở các địa phương vùng dân tộc và miền núi.

Sau 5 năm thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, giai đoạn 2016 - 2025” (gọi tắt là Đề án 2348) dù đã đạt mục tiêu số trạm y tế xã trên cả nước, nhưng mạng lưới y tế cơ sở vẫn còn những hạn chế rất lớn, không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân do cơ sở vật chất thiếu đồng bộ.

Hiện, tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế (nhà kiên cố 2 tầng, bảo đảm diện tích) chỉ đạt trên 50% tổng số trạm y tế trên cả nước. Mức thụ hưởng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT của người dân ở cấp xã rất thấp do quy định mức chi giao cho trạm y tế không quá 20% Quỹ khám chữa bệnh BHYT ngoại trú, khiến một số loại bệnh trạm y tế xã có khả năng điều trị, cấp thuốc nhưng vẫn phải chuyển lên tuyến trên.

Do vậy, hướng tới mục tiêu đến năm 2025, 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chuyên gia cho rằng, nhất thiết phải tháo gỡ những “nút thắt” về mặt chính sách.

Vướng mắc đầu tiên là chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực y tế... vẫn mang tính cào bằng, áp dụng chung cho cả nước. Trong khi đó, trạm y tế ở nhiều địa phương thuộc vùng nông thôn, miền núi vẫn còn rất thiếu đồng bộ, cả về trụ sở lẫn trang thiết bị khám chữa bệnh.

Cùng với đầu tư cơ sở vật chất thì việc bảo đảm nguồn nhân lực y tế cũng là một “nút thắt” cần tháo gỡ, để thu hẹp khoảng cách về lực lượng y tế có trình độ giữa các vùng miền. Ví dụ như tại Hà Nội, tỷ lệ số trạm y tế có bác sĩ đạt 93,8% thì tại Quảng Nam chỉ có trên 32%, thậm chí ở Quảng Trị chỉ gần 9% số trạm y tế xã có bác sĩ làm việc...

Ngoài ra, vấn đề phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ y tế cơ sở chưa tương xứng, chưa thỏa đáng, chưa tạo ra sự khác biệt lớn để khuyến khích cán bộ y tế về trạm y tế, do vậy, nhiều địa phương không thể tuyển được bác sĩ y khoa, bác sĩ y tế dự phòng.

Rõ ràng, nâng cao năng lực cho mạng lưới y tế cơ sở đòi hỏi phải đổi mới mô hình cung ứng dịch vụ y tế theo hướng toàn diện, liên tục và có sự lồng ghép giữa các tuyến và thay đổi chính sách BHYT phù hợp nhằm khuyến khích cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng.

Quan trọng hơn hết, chúng ta cần có các chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực và nâng cao trình độ, năng lực cho lực lượng y tế cơ sở, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế. Việc đầu tư cho y tế cơ sở là giúp người dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, nhanh nhất, tạo niềm tin của nhân dân đối với ngành y tế.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO