Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 27/09/2023 04:03 GMT+7

Tạp chí Khoa học Biên phòng - 10 năm nhìn lại

Biên phòng - Cùng với quá trình xây dựng, trưởng thành của lực lượng BĐBP, công tác thông tin, tuyên truyền trong BĐBP nói chung, thông tin, khoa học biên phòng nói riêng ngày càng phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP. Tháng 7-1991, tờ Thông tin Khoa học - Kỹ thuật biên phòng chính thức đi vào hoạt động.

d8hp_6
Thiếu tướng Lê Văn Thạo, Phó Tham mưu trưởng BĐBP trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị bạn đọc, cộng tác viên Tạp chí Khoa học Biên phòng năm 2016 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: CTV

Trong xu thế phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, trước đòi hỏi của nhiệm vụ công tác biên phòng và xây dựng BĐBP trong tình hình mới, ngày 10-7-2006, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp giấy phép hoạt động số 106/GP-BVHTT cho Tạp chí Khoa học Biên phòng với tôn chỉ, mục đích là diễn đàn trao đổi và phổ biến các công trình nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; thông tin những vấn đề về biên giới và lãnh thổ các nước trên thế giới, những kinh nghiệm trong việc áp dụng khoa học và công nghệ phục vụ quản lý, bảo vệ biên giới, vùng biển; đăng tải những thông tin phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo và nghiên cứu khoa học của BĐBP.

10 năm xây dựng và phát triển dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tạp chí Khoa học Biên phòng đã đạt nhiều kết quả quan trọng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác báo chí, biên tập, xuất bản... duy trì hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích của một tạp chí chuyên ngành; cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho toàn quân nói chung, các đơn vị BĐBP nói riêng nghiên cứu, tham khảo vận dụng vào thực tiễn góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị.

Kể từ khi ra số đầu tiên (tháng 9+10/2006) đến nay, Tạp chí Khoa học Biên phòng ra định kỳ 2 tháng số (6 số/năm); mỗi số từ 23 đến 25 bài viết, dung lượng 120 trang, khổ giấy 19x27cm. Đến nay, Tạp chí đã xuất bản 60 số với gần 1.500 bài viết; từng bước trưởng thành và khẳng định được vị thế của một tạp chí khoa học chuyên ngành. Tạp chí đã không ngừng đổi mới  nội dung, hình thức, chất lượng các bài viết trong tất cả các chuyên mục (Những vấn đề chung, Thực tiễn - kinh nghiệm, Nghiên cứu - trao đổi, Thông tin - tư liệu) ngày càng nâng cao, đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền và nghiên cứu trao đổi của độc giả, nhất là các học viện, nhà trường trong BĐBP.

Cũng là một loại hình báo chí, nhưng Tạp chí có nhiều đặc trưng riêng: 100% các bài viết đều do cộng tác viên nghiên cứu viết với mục đích vừa thông tin, tuyên truyền, vừa trao đổi những vấn đề lý luận, thực tiễn công tác biên phòng và xây dựng BĐBP đặt ra. Có nhiều bài viết chuyên sâu, có giá trị về các vấn đề: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong bảo vệ biên giới quốc gia; quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng trong công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; nghệ thuật bảo vệ biên giới của BĐBP; quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng trong xây dựng BĐBP ngày càng vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Trong đó, nhiều bài viết có giá trị, đăng tải kết quả nghiên cứu đề tài cấp Bộ Quốc phòng, cấp Nhà nước như: "Nghiên cứu xây dựng nền biên phòng toàn dân trong tình hình mới", "Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc xây dựng chiến lược bảo vệ biên giới Việt Nam giai đoạn đến năm 2020", "Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới"...

Nhiều bài viết về những vấn đề lý luận và thực tiễn quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới được đăng tải trên Tạp chí đã cung cấp cơ sở khoa học, kinh nghiệm thực tiễn để các cơ quan, đơn vị nghiên cứu tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP những vấn đề về chủ trương, đối sách trong quản lý, bảo vệ biên giới; đồng thời cũng là kênh thông tin cung cấp những cơ sở khoa học để Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng những vấn đề về chiến lược, sách lược, về chủ trương, chính sách xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, vùng biển của Tổ quốc.

10 năm qua, Tạp chí đã công bố nhiều bài viết là những công trình khoa học của nghiên cứu sinh, học viên cao học Biên phòng tạo nên một diễn đàn trao đổi khoa học hữu ích cho các lớp, các khóa đào tạo sau đại học của Học viện Biên phòng và các cơ sở đào tạo ngoài BĐBP có cán bộ BĐBP theo học; hàng trăm bài viết của các nhà khoa học, cán bộ giảng viên trong các trường của BĐBP đã được đăng tải. Trong đó có hàng trăm bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương có biên giới, các đồng chí cấp tướng trong quân đội và lực lượng BĐBP tham gia. Nhiều tác giả có những bài viết ở tầm chiến lược, có hàm lượng lý luận sâu sắc, cung cấp thông tin hữu ích cho chỉ đạo, định hướng công tác biên phòng và xây dựng BĐBP. Tiêu biểu như các tác giả: Nguyễn Ngọc Điệp, Cao Thượng Lương, Hoàng Minh Hiểu, Trần Hữu Vun, Cao Thanh Tân, Phạm Quang Tuyến, Dương Công Hiếu, Phạm Văn Thùy, Nguyễn Đức Ý...

Với những thành tích như trên, Tạp chí Khoa học Biên phòng đã được Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia cấp Mã số chuẩn quốc tế ISSN 1859 - 2791 cho xuất bản phẩm nhiều kỳ và Thường trực Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước ra quyết định đưa Tạp chí Khoa học Biên phòng vào Danh mục các tạp chí khoa học được tính điểm công trình khoa học khi xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, với điểm công trình khoa học quy đổi tối đa cho một bài viết là 0,5 điểm.

Mặc dù còn những hạn chế nhất định chưa đáp ứng kịp so với yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của lý luận và thực tiễn, song có thể khẳng định, 10 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng; sự cố gắng nỗ lực của các đồng chí trong Ban Biên tập các thời kỳ và sự đóng góp to lớn của các đồng chí cộng tác viên là những đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, các đồng chí cán bộ, giảng viên trong các học viện, nhà trường đã luôn đồng hành cùng Tạp chí Khoa học biên phòng;  kể từ khi ra số đầu tiên đến nay, với những bước đi cơ bản, vừa kế thừa, vừa phát triển, Tạp chí Khoa học Biên phòng đã có những bước phát triển cả về hình thức, nội dung và phạm vi ảnh hưởng. Tạp chí Khoa học Biên phòng đã trở thành một trong những diễn đàn và là "Tờ báo khoa học" được cán bộ, chiến sĩ trong BĐBP tin dùng.

Đội ngũ cán bộ, biên tập viên của tạp chí không ngừng lớn mạnh, có năng lực, trình độ chuyên môn cao, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong cơ quan, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng của Tạp chí đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của công tác biên phòng và xây dựng BĐBP. Phát huy kết quả và thành tích đã đạt được trong 10 năm qua, để nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Tạp chí Khoa học Biên phòng tiếp tục thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau:

Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP để giữ vững định hướng chính trị; thực hiện nghiêm quy định của Luật Báo chí, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, đảm bảo cho Tạp chí luôn hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích.

Phát huy hơn nữa vai trò của "báo chí" trong công tác tuyên truyền, giáo dục định hướng tư tưởng góp phần xây dựng trận địa chính trị tinh thần cho các cơ quan, đơn vị, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, chiến sĩ góp phần xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, các cơ quan đơn vị vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ công tác biên phòng và xây dựng BĐBP trong tình hình mới.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, xây dựng các chuyên mục chuyên sâu về khoa học biên phòng, nâng cao chất lượng các bài viết đăng trên Tạp chí để đưa Tạp chí Khoa học Biên phòng thực sự là người bạn tin cậy của cán bộ, chiến sĩ BĐBP; đóng góp tích cực hơn nữa trong việc giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn công tác biên phòng và xây dựng BĐBP đặt ra trong điều kiện nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, với nhiều thời cơ, vận hội và không ít thách thức đan xen.

Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch biên tập, xuất bản Tạp chí Khoa học Biên phòng hàng năm của Bộ Tư lệnh BĐBP, những người làm Tạp chí Khoa học Biên phòng mong muốn cấp ủy, chỉ huy các đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, động viên khuyến khích cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ chủ trì, những đồng chí có trình độ, kinh nghiệm thực tiễn ở các đơn vị cơ sở tích cực cộng tác tham gia viết bài cho Tạp chí.

 Đại tá, PGS, TS Bùi Xuân Hoàn - Trưởng phòng Khoa học Quân sự BĐBP

Bình luận

ZALO