Biên phòng - Hiện nay, việc tái hòa nhập cộng đồng đối với người nghiện ma túy sau khi tham gia các chương trình điều trị và cai nghiện phục hồi vẫn còn không ít khó khăn, nhất là nhu cầu việc làm. Vì vậy, cần tăng cường hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm đối tượng này sẽ là giải pháp thiết thực không những giúp họ giảm nguy cơ tái nghiện, ổn định cuộc sống, mà còn góp phần bảo đảm an ninh, trật tự và phát triển kinh tế.

Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội số 1, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa hiện đang quản lý trên 300 đối tượng nghiện ma túy. Trung tâm thường xuyên tổ chức dạy và truyền nghề cho các học viên với các nghề, như: Cơ khí, may, thợ mộc... và coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp học viên có việc làm khi trở về với đời thường, hạn chế tình trạng tái nghiện trở lại. Tuy nhiên, chương trình dạy nghề được tổ chức trong quá trình cai nghiện, nhưng hầu hết những nghề này đều mang giải pháp tạm thời, chưa thực sự tạo được việc làm cho người nghiện sau cai nghiện. Chưa kể, khi tái hòa nhập cộng đồng, cơ hội việc làm đối với người này là rất khó khăn. Cũng có không ít trường hợp do thiếu sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình khiến cho quá trình cai nghiện trước đó nhanh chóng thất bại, người nghiện sau cai lại tái nghiện.
Mặc dù trong những năm qua có sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc tạo việc làm cho người nghiện sau cai vẫn gặp không ít khó khăn. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, hằng năm, số người nghiện sau cai có việc làm chỉ chiếm khoảng 10% so với số người được chữa trị, phục hồi và cũng chỉ khoảng 20% trong số đó có việc làm ổn định, đủ nuôi sống bản thân.
Dù có nhiều cố gắng và giải pháp nhưng trên thực tế, công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người nghiện sau cai đang gặp phải không ít khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp, người tuyển dụng lao động vẫn coi họ là những đối tượng có “lý lịch không trong sáng” nên không tiếp nhận. Bên cạnh đó, sau khi học nghề tại các trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội, họ vẫn chưa có đủ kỹ năng, kinh nghiệm để tìm và gắn bó với công việc. Đấy là chưa kể đến tình trạng bản thân họ không có nhu cầu học nghề, không muốn lao động, một số người sau cai nghiện không về địa phương gây khó khăn cho việc theo dõi, quản lý...
Ngoài ra, công tác dạy nghề cho những đối tượng này mới chỉ được triển khai ở các trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội mà chưa có sự gắn kết giữa các chương trình dạy nghề với doanh nghiệp nên chưa tạo được nhiều cơ hội việc làm cho người nghiện sau cai. Ngay cả chính sách cho người nghiện sau cai được vay vốn để tạo việc làm, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận các đối tượng vào làm việc còn nhiều vướng mắc về thủ tục. Vì vậy, hầu hết người nghiện sau cai và doanh nghiệp đều chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay này do đặc thù về học vấn, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe và đặc biệt là “mức độ tín nhiệm thấp”.
Để người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân cần hiểu rõ cai nghiện ma túy là quá trình khó khăn, phức tạp, lâu dài, rất cần cả xã hội chung tay giúp đỡ, thật sự yêu thương, chia sẻ, giúp người nghiện điều trị để họ không mặc cảm, tự ti. Đồng thời, thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện và gia đình họ được tham gia các chương trình học nghề, vay vốn, có việc làm ổn định và biết tránh xa hiểm họa ma túy. Cần đối xử bình đẳng, không kỳ thị, xa lánh đối với người nghiện và gia đình họ, không nên xem người nghiện ma túy là tội phạm, mà xem họ là người bệnh để yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện, tự lập xây dựng cuộc sống mới.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tạo điều kiện, hỗ trợ người đã cai nghiện tìm việc làm, vay vốn sản xuất, kinh doanh và tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội nhằm phòng, chống tái nghiện ma túy. Huy động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ, tạo điều kiện cho người đã cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng.
Lê Đồng