Biên phòng - Những thắng lợi về quân sự giành được trong hai năm 1970-1971 đã tạo cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta một thế trận thuận lợi mới. Ta có điều kiện để kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, tiếp tục phát huy quyền chủ động tiến công giành những thắng lợi to lớn hơn trong năm 1972.

Trên cơ sở quyết tâm của Bộ Chính trị, tháng 2-1972, Quân ủy Trung ương xác định nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là tập trung chỉ đạo chiến tranh và tăng cường lực lượng mọi mặt cho chiến trường miền Nam. Nhân lúc Mỹ - ngụy đang thất bại nặng nề trên chiến trường ba nước Đông Dương, các chính khách Mỹ đang trong thời điểm chạy đua vào Nhà Trắng, ta kiên quyết phát huy quyền chủ động tiến công, giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược lớn hơn trong năm 1972 bằng ba đòn tiến công chiến lược: Tiến công của bộ đội chủ lực; tiến công và nổi dậy ở các vùng nông thôn, đồng bằng; phong trào đấu tranh của nhân dân các đô thị.
Ngày 11-3-1972, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra nghị quyết tiến hành cuộc tiến công chiến lược năm 1972, hướng chủ yếu là chiến trường Trị - Thiên. Ngày 28-3-1972, Bộ Chính trị thông qua quyết tâm và kế hoạch của Thường vụ Quân ủy Trung ương lần cuối và nhắc nhở các cấp chú ý địch có khả năng co cụm lớn trước đòn tiến công của ta để chống đỡ và tìm cách phản công lại.
Theo kế hoạch tác chiến chiến lược, nhiệm vụ của chiến dịch Trị - Thiên, hướng chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược được xác định: Tiêu diệt phần lớn lực lượng địch ở Trị - Thiên, gồm 2 sư đoàn và đánh thiệt hại nặng 1 sư đoàn; phối hợp tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng ở nông thôn, đồng bằng; giải phóng phần lớn địa bàn Trị - Thiên, có điều kiện thì giải phóng hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên; giam chân thu hút lực lượng địch, phối hợp với toàn chiến trường miền Nam góp phần vào thắng lợi chung của cuộc tiến công chiến lược.
Về sử dụng lực lượng, ở hướng tiến công chiến lược Trị - Thiên: Hướng Quảng Trị, ta sử dụng các Sư đoàn 304, 308, 324 (thiếu 1 trung đoàn); các Trung đoàn 48, 27 độc lập; các Tiểu đoàn 23,15, 17 Quân khu Trị - Thiên; Đoàn đặc công 126 (1A) Hải quân; các Tiểu đoàn đặc công 25, 31, 35 của Bộ; 7 tiểu đoàn đặc công của Quân khu Trị - Thiên và hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên; các Trung đoàn 45, 38, 84, 164, 368 pháo binh của Bộ; 2 trung đoàn pháo binh của các Sư đoàn 304, 308 và 2 đại đội pháo binh; các Trung đoàn 202, 203 tăng - thiết giáp; các Sư đoàn 365, 367, 377 và các Trung đoàn 275, 236 tên lửa phòng không; các Trung đoàn 219, 299 và 3 tiểu đoàn công binh độc lập. Bộ đội địa phương có 2 tiểu đoàn, 5 đại đội, 6 trung đội bộ binh, 1 tiểu đoàn đặc công và 6 đội biệt động.
Hướng Thừa Thiên có Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 và Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, 3 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn D74, 1 tiểu đoàn cối 120mm; 1 đại đội tên lửa chống tăng B72; 2 tiểu đoàn phòng không; 1 tiểu đoàn tăng - thiết giáp; 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn công binh. Bộ đội địa phương có 5 tiểu đoàn, 2 tiểu đoàn đặc công; Tiểu đoàn 582 công binh chuyên trách đánh giao thông và các đại đội của huyện, biệt động thành phố.
Địch phòng thủ trên hướng Quảng Trị có Sư đoàn bộ binh 3, các Lữ đoàn lính thủy đánh bộ 147, 258, các Thiết đoàn 20, 11. Khu vực Thừa Thiên có tiền phương Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1, Sư đoàn bộ binh 1, Thiết đoàn 17. Pháo binh địch trên hai hướng có 17 tiểu đoàn và 5 đại đội (258 khẩu). Lực lượng địa phương có 4 tiểu đoàn và 94 đại đội bảo an, 302 trung đội dân vệ.
Sau gần 3 tháng chiến đấu, quân và dân ta đã giành được thắng lợi, loại khỏi vòng chiến đấu 27.000 tên địch, bắt 3.386 tên; phá hủy 336 xe tăng, thiết giáp, 1.870 xe quân sự, 19 tàu chiến, 419 khẩu pháo các loại, 3 kho đạn, xăng dầu; bắn rơi 340 máy bay các loại; thu 194 khẩu pháo cối và tổ chức thành 8 đại đội pháo tham gia chiến dịch được ngay; thu 2.942 khẩu súng bộ binh các loại và 340 máy vô tuyến điện.
Ngày 30-3-1972, quân ta tiến công tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch ở Quảng Trị, Kon Tum. Ngày 1-4-1972, quân và dân miền Đông Nam bộ đột phá tuyến phòng ngự của địch trên đường số 22, tiếp đó, đánh địch trên đường 13; đồng bằng Khu 5; phối hợp chiến trường, quân và dân đồng bằng sông Cửu Long tiến công và nổi dậy đánh phá kế hoạch "bình định" của địch. Mỹ - ngụy hoàn toàn bất ngờ về thời điểm, hướng chủ yếu, quy mô và cường độ cuộc tiến công của ta.
11 giờ 30 phút, ngày 30-3-1972, ta nổ súng mở đầu chiến dịch tiến công Trị - Thiên. Ngay từ những phút đầu, pháo binh của ta đã bắn trúng các mục tiêu, chế áp hoàn toàn quân địch, chi viện cho bộ binh tiến công các căn cứ Động Toàn, Ba Hồ, điểm cao 544, 288, 365. Ở hướng Bắc, quân ta nhanh chóng tiêu diệt địch và chiếm điểm cao 544, tiêu diệt địch ở Quất Xá, tiếp đó, bao vây Cam Lộ, vây ép Cồn Tiên, buộc địch ở đây phải rút chạy về cố thủ ở Miếu Bái Sơn. Ở hướng Tây Bắc, ta diệt địch ở Ba Hồ, Ba Tum, đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu. Chiều 1-4-1972, ta chiếm được Động Toàn. Ở hướng Đông trên sông Cửa Việt, ta tiến công địch ở cảng Cửa Việt, khống chế đường sông. Quân địch ở Dốc Miếu, Dốc Sỏi chạy về Quán Ngang. Từ sáng 31-3-1972, lực lượng vũ trang địa phương Vĩnh Linh, các tiểu đoàn đặc công cùng các lực lượng tại chỗ lần lượt giải phóng quận lỵ Gio Linh, Bến Ngự, Mai Xá Thị, Xuân Khánh, Hà Thượng... Ở hướng Nam, ta nhanh chóng đánh chiếm điểm cao 365, Động Ngô, vây ép căn cứ Phượng Hoàng (điểm cao 52).
Sau 3 ngày mở đầu chiến dịch, ta đã đập vỡ hoàn toàn tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, chiếm nhiều bàn đạp quan trọng, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành chính quyền, làm chủ nhiều thôn, xã trong địa bàn. Trước tình hình phát triển thuận lợi, Bộ Tư lệnh chiến dịch nhanh chóng điều lực lượng đánh mạnh vào hệ thống phòng thủ bên trong của địch. 11 giờ, ngày 2-4-1972, ta diệt địch ở Cam Lộ; bộ binh và xe tăng ta đánh địch ở Quán Ngang. Chiều 2-4-1972, ta tiến công địch ở Miếu Bái Sơn.
Trên hướng Tây Bắc, bộ binh và xe tăng ta tiến đánh căn cứ 241. Ở hướng Nam, quân ta vây ép phía Tây La Vang, Quảng Trị (Nam sông Thạch Hãn), chiều 4-4-1972, tiểu đoàn bảo an địch ở Do Ông bỏ chạy. Trên hướng phối hợp, lực lượng địa phương Quân khu Trị - Thiên liên tục đánh địch ở Cù Mông, điểm cao 620, đường số 12, từ ngày 26-3 đến ngày 3-4-1972, ta thu hút địch, tạo điều kiện cho hướng chủ yếu. Bị thiệt hại nặng, địch tăng cường lực lượng đối phó với ta. Từ ngày 9-4-1972, địch ra sức củng cố tuyến phòng thủ mới, quyết giữ Đông Hà, Ái Tử, La Vang, chiếm các điểm cao khống chế phía Tây, tăng cường lực lượng, củng cố vùng đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng nhằm bảo vệ hậu phương của chúng, ngăn chặn các mũi tiến công của ta.
Trên các chiến trường khác, ngày 20-4-1972, ta đánh chiếm Đắc Tô - Tân Cảnh; ngày 30-4-1972, chiếm Hiệp Đức; ngày 1-5-1972, chiếm Võ Định, tạo thế bao vây thị xã Kon Tum. Ngày 2-5, quân ta tiếp tục chiếm Bồng Sơn, Tam Quan, ngày 7-5, chiếm Lộc Ninh. Ngày 27-4, quân ta tiếp tục tiến công, pháo binh ta chế áp hoàn toàn pháo binh địch; ngày 2-5, ta giải phóng hoàn toàn Quảng Trị. Trên hướng Tây Thừa Thiên, ta tiến công địch ở Cù Mông, điểm cao 620, vây lấn Động Tranh, chặn đánh 2 tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn 54 địch lên ứng cứu, thu hút và giam chân sư đoàn bộ binh 1 ngụy tại đây. Ở đồng bằng, lực lượng địa phương tiêu diệt chi khu Hương Trà, Nam Hòa, đẩy mạnh hoạt động diệt ác, trừ gian trên 6 huyện của tỉnh Thừa Thiên.

Trước những thất bại nặng nề, địch cấp tốc đưa thêm 5 trung (lữ đoàn) từ Sài Gòn và Đà Nẵng ra Huế, tăng lực lượng phòng thủ của địch ở đây lên đến 4 sư đoàn. Chúng tập trung củng cố tuyến phòng thủ dọc sông Mỹ Chánh, dựa vào tuyến phòng thủ này, địch nống ra phía Đông và phía Tây, nhằm phá ta tiến công Huế. Để cứu nguy cho quân ngụy khỏi sụp đổ trước cuộc tiến công chiến lược của ta, từ ngày 6-4-1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn ra lệnh ném bom trở lại miền Bắc, Mỹ hóa trở lại cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân ở miền Nam; tập trung pháo hạm và máy bay ném bom liên tục đánh phá vào hậu phương chiến lược của ta. Bộ đội ta gặp khó khăn trong tiếp tế bảo đảm hậu cần, bổ sung quân số... Trước tình hình so sánh lực lượng bất lợi cho ta, đêm 28-6-1972, ta ngừng tiến công để chuẩn bị chống lại cuộc phản công quy mô lớn của địch.
Thắng lợi Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 có ý nghĩa chiến lược quan trọng, đập tan hệ thống kìm kẹp, đập nát tuyến phòng thủ mạnh nhất của Mỹ - ngụy ở miền Nam, làm thay đổi cục diện trên chiến trường Trị - Thiên. Ta giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị, 3 xã của huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên.
Vũ Hồng Khanh