Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 04/06/2023 06:48 GMT+7

Tạo sinh kế kết hợp nâng cao dân trí cho phụ nữ vùng biên

Biên phòng - Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã mở ra cánh cửa giúp cho nhiều gia đình phụ nữ ở khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk vươn lên trong cuộc sống. Không chỉ có nhà mới để ở, có công ăn việc làm ổn định, nhiều phụ nữ nghèo còn được nâng cao kiến thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm để khẳng định bản thân và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cán bộ Đội công tác địa bàn, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, BĐBP Đắk Lắk hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho chị Hoàng Thị Thoa, ở buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nguyễn Ngọc Lân

Khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk có 51 thôn, buôn thuộc 4 xã biên giới của 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp, với hơn 22 nghìn nhân khẩu và 25 dân tộc cùng chung sống. Đời sống nhân dân nói chung và phụ nữ vùng biên nói riêng vẫn còn gặp khó khăn.

Với nỗ lực giúp phụ nữ thoát nghèo, năm 2018, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk và Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk phối hợp triển khai với phương châm “lấy hạnh phúc của phụ nữ là thước đo chất lượng hoạt động” và quyết tâm “không để phụ nữ nào ở lại phía sau”.

Nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai hướng về phụ nữ ở khu vực biên giới như: Tạo điều kiện cho 864 gia đình tiếp cận nguồn vốn vay với tổng kinh phí 24,83 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng nhà “Mái ấm biên cương”. Chính từ nguồn vốn và hỗ trợ xây dựng nhà ở đã có nhiều gia đình cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Điển hình là gia đình chị Hoàng Thị Thoa, ở buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Gia đình chị Thoa thuộc diện hộ nghèo, hai vợ chồng đều không có công ăn, việc làm ổn định, gia đình thiếu đất sản xuất, bản thân chị thường xuyên đau ốm, con cái còn nhỏ, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Chị Thoa chia sẻ: “Chúng tôi phải lo ăn từng ngày, để có vốn đầu tư là điều chưa thể nghĩ tới. Đầu năm 2019, tôi được chương trình hỗ trợ 10 triệu đồng. Qua sự tư vấn của cán bộ Đội công tác địa bàn, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, gia đình tôi quyết định sử dụng 7 triệu đồng để cải tạo lại ao, mua giống cá và thức ăn cho cá. Còn 3 triệu đồng, gia đình tôi mua giống gà, vịt thả vườn”.

Sau hơn 1 năm, trừ chi phí, gia đình chị Thoa thu được 20 triệu đồng từ mô hình trên. Với số tiền lời ban đầu này, gia đình chị tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi với hơn 200 con gà đẻ trứng, mỗi ngày thu từ 15-20 quả trứng để bán. Đến nay, gia đình chị Thoa đã thoát nghèo, cuộc sống khá giả hơn rất nhiều.

Năm 2000, gia đình chị Lữ Thị Sót rời quê nhà Thanh Hóa vào xã Ia Lốp, huyện Ea Súp để lập nghiệp. 10 năm trước, khi cuộc sống còn bộn bề khó khăn thì chồng chị qua đời. Một mình chị tảo tần bữa rau, bữa cháo nuôi con nhỏ. Sự vất vả không sao kể xiết.

Nhớ về những ngày tháng ở trong căn nhà dột nát, chị Sót kể: “Mùa mưa đến, nhà thường bị dột. Những lúc như thế, tôi cứ ước, biết đến khi nào mình mới xây được nhà cho con ở”.

Ước mơ bao năm của chị Sót hôm nay đã thành hiện thực. Một căn nhà mái bằng được dựng lên bên cạnh căn lều cũ của hai mẹ con chị. Đi gần nửa cuộc đời, người phụ nữ này lần đầu tiên nhận được một nguồn động viên cả vật chất và tinh thần lớn lao đến thế. Ngoài khoản hỗ trợ theo Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, chị Sót vay mượn thêm anh chị em để ngôi nhà thêm phần khang trang. Và đó cũng chính là nơi tiếp thêm động lực cho hành trình sắp tới của chị.

Đại diện lãnh đạo BĐBP Đắk Lắk và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk trao kinh phí hỗ trợ vốn vay và xây dựng nhà ở cho gia đình phụ nữ nghèo trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Ảnh: Nguyễn Ngọc Lân

Căn nhà của chị Sót là một trong 16 căn nhà “Mái ấm biên cương” được BĐBP Đắk Lắk và các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn hỗ trợ xây dựng. Cùng với hỗ trợ vốn, xây dựng “Mái ấm biên cương” thì các đơn vị BĐBP Đắk Lắk và cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện biên giới luôn quan tâm nâng cao dân trí cho phụ nữ. Bởi, trên địa bàn biên giới, tình trạng phụ nữ không biết chữ còn khá phổ biến, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2018 đến nay, BĐBP Đắk Lắk đã mở 2 lớp xóa mù chữ cho 51 học viên, trong đó, 40 học viên là phụ nữ; mở 1 lớp phổ cập giáo dục trung học cơ sở cho 87 học viên.

Hiện nay, tại xã Ia Rvê, huyện Ea Súp đang triển khai một lớp xóa mù chữ với 19 học viên tham gia, trong đó, 17 học viên là phụ nữ, độ tuổi từ 35 đến 61 tuổi. Ngoài ra, BĐBP tỉnh và các cấp Hội Phụ nữ tỉnh đã mở 4 lớp dạy nghề dân dụng miễn phí và 6 lớp tập huấn cho hơn 300 phụ nữ; tặng 101 con bò giống cho 101 gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; giới thiệu việc làm cho 160 hội viên phụ nữ; thành lập 1 tổ hợp tác và xây dựng 7 mô hình sản xuất kinh doanh cho phụ nữ...

Để góp phần giảm đi gánh nặng của các gia đình phụ nữ khó khăn, các đơn vị BĐBP Đắk Lắk đã nhận 4 em học sinh làm con nuôi tại các đồn Biên phòng và nhận đỡ đầu 42 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 4 xã biên giới. Đặc biệt, các đồn Biên phòng đã phân công 74 đảng viên phụ trách 334 gia đình phụ nữ đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Đến nay, đã có 165 gia đình phụ nữ thoát nghèo, đạt 21% trên tổng số hộ được hỗ trợ, vượt 16% so với chỉ tiêu chương trình đề ra.

Đánh giá về hiệu quả Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy BĐBP Đắk Lắk khẳng định: “Chương trình đã tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức, nâng cao hiểu biết về pháp luật, kiến thức và kỹ năng xây dựng gia đình cho phụ nữ. Chương trình cũng triển khai nhiều mô hình sinh kế bền vững như sửa chữa, xây dựng “Mái ấm biên cương”, tặng học bổng, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, mở lớp học xóa mù chữ và nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống cho phụ nữ”.

Nguyễn Ngọc Lân

Bình luận

ZALO