Biên phòng - Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP phát động đã làm đổi thay mạnh mẽ cho nhiều gia đình phụ nữ ở vùng biên giới, hải đảo của Tổ quốc, trong đó có tỉnh Đắk Lắk. Việc đồng hành không chỉ tạo động lực, tiếp sức để phụ nữ có ý chí vươn lên, mà còn tạo cơ hội cho phụ nữ vùng biên giới có sinh kế, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo..., tiếp tục sát cánh cùng những người lính Biên phòng trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị H’Vong Đương Lào, Buôn Trí B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, sau gần 2 năm, gia đình chị nhận vốn khởi nghiệp của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. Đón tiếp chúng tôi, chị niềm nở tâm sự: Trước đây, gia đình chị rất khó khăn, chồng bị tai biến, mất khả năng lao động, mọi chuyện trong nhà chị phải một mình lo toan. Để có tiền cho con ăn học, trang trải cuộc sống hằng ngày và thuốc thang cho chồng, chị phải đi làm thuê.
Đầu năm 2017, nhận vốn khởi nghiệp của BĐBP tỉnh, cộng với số tiền chị vay mượn, tổng cộng được gần 10 triệu đồng, chị mua các đồ dùng như tủ lạnh, hàng hóa... để mở quán tạp hóa. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình chị đỡ vất vả hơn. Ngoài hỗ trợ vốn, gia đình chị H’Vong Đương Lào còn được tặng 1 con bò giống sinh sản trong Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”.
Trước khi có Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, các đơn vị BĐBP Đắk Lắk đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện nhiều mô hình, việc làm thiết thực giúp phụ nữ biên giới như trao vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, trao tặng bò giống, mở lớp xóa mù... Khi có Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh nhiều hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, huy động được nhiều sự hỗ trợ hướng về biên giới, hướng về phụ nữ biên cương.
Xã Ia Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) là xã biên giới đặc biệt khó khăn. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, điều kiện kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Để tạo sinh kế cho phụ nữ nghèo nơi này, ngoài hỗ trợ vốn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Trung tâm giáo dục dạy nghề, giáo dục thường xuyên huyện Ea Súp còn tổ chức khóa đào tạo nghề may miễn phí cho chị em. Chị em khi tốt nghiệp lớp may này có thể tự mở được tiệm may hoặc xin vào may tại các xí nghiệp. Trung tâm giáo dục dạy nghề, giáo dục thường xuyên huyện Ea Súp sẽ liên hệ và nhận hàng từ các doanh nghiệp về cho chị em gia công tập trung tại xã và tại nhà...
Qua gần 8 tháng thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đã có 25 hội viên phụ nữ ở 4 xã biên giới của tỉnh Đắk Lắk được hỗ trợ vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với tổng số vốn hơn 585 triệu đồng.
Đáp lại sự đồng hành, hỗ trợ của BĐBP và Hội Phụ nữ các cấp ở địa phương, phụ nữ vùng biên giới Đắk Lắk luôn sát cánh cùng BĐBP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới. Câu lạc bộ gia đình không vi phạm quy chế biên giới tại thôn 5 và thôn 3 của xã Ia Rvê là một điển hình. Chị Nguyễn Thị Hoa Chơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới thôn 5 cho biết: Câu lạc bộ có 44 hội viên, hầu hết là chị em trong thôn. Câu lạc bộ trở thành “sân chơi” bổ ích cho chị em vừa đoàn kết bảo vệ biên giới, vừa giao lưu, trao đổi các kinh nghiệm hay trong sản xuất, nuôi dạy con cái; là nơi chị em được phổ biến, học tập những văn bản pháp luật, những quy định mới để hiểu và tuyên truyền cho gia đình, người thân và cộng đồng cùng thực hiện.
Mô hình câu lạc bộ này đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong việc tuyên truyền, vận động các hội viên phụ nữ, cộng đồng dân cư nêu cao ý thức cảnh giác, không vi phạm quy chế biên giới; chủ động phối hợp với BĐBP quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Nguyễn Ngọc Lân