Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:18 GMT+7

Tạo sinh kế bền vững làm then chốt để phụ nữ vùng biên vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19

Biên phòng - Thông qua chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” BĐBP Lai Châu và Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Lai Châu đã có nhiều cách làm sáng tạo trong vận động, hỗ trợ phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, không chỉ đủ sống mà còn có tích lũy. Có được sự đồng hành của BĐBP và Hội LHPN các cấp mà cụ thể là hỗ trợ sinh kế để phát triển kinh tế, nhiều phụ nữ vùng biên Lai Châu đã trở thành những tấm gương điển hình. Dịch Covid-19 bùng phát và người ta lại càng hiểu hơn về giá trị của việc được giúp đỡ hỗ trợ sinh kế bền vững.

BĐBP Lai Châu và Hội LHPN tỉnh Lai Châu tặng mái âm tình thương cho phụ nữ nghèo huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: CTV

Khu vực biên giới tỉnh Lai Châu có địa hình chủ yếu là đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại về người và của. Đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo chiếm 36,89%. Đối với phụ nữ đồng bào các dân tộc thiểu số, tỷ lệ phụ nữ ngoài độ tuổi mù chữ còn cao, nhận thức của một bộ phận còn hạn chế. Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn, lừa gạt buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, kết hôn với người Trung Quốc không hợp pháp hay lôi kéo tham gia hoạt động đạo trái pháp luật vẫn còn xảy ra.

Bà Khoàng Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lai Châu cho biết: Các hoạt động đồng hành cùng phụ nữ biên giới tại tỉnh Lai Châu được bám sát theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững; Chương trình 134/CP về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đó, nhiều phụ nữ khó khăn đã được tặng sinh kế là cây, con giống để phát triển kinh tế, đồng thời được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà để ổn định cuộc sống. Đồng thời, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các hoạt động truyền thông từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” của Hội LHPN và Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu nhằm mục đích hỗ trợ, thay đổi nhận thức, thay đổi số phận để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu, Hội LHPN tỉnh Lai Châu còn phối hợp với các Ban Trung ương Hội, Hội LHPN các tỉnh Phú Thọ, thành phố Hải Phòng triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại 5 xã biên giới gồm Sì Lở Lầu, Nậm Xe (huyện Phong Thổ), xã Pa Vệ Sủ, Pa Ủ (huyện Mường Tè) và xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ). Các đơn vị đã xây tặng mái ấm tình thương, tặng sinh kế, tặng quà cho các cháu học sinh vượt khó, học giỏi với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng.

Tại Sì Lở Lầu - xã khó khăn nhất của huyện Phong Thổ, Hội LHPN và Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu đã tặng 2 ngôi nhà “Mái ấm tình thương”, 20 suất học bổng, 150 chiếc chăn ấm, 50 chiếc áo đồng phục và 25 bộ sách cho học sinh nghèo vượt khó là con của hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng 12 con lợn giống cho phụ nữ nghèo để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, với tổng trị giá là 132 triệu đồng.

Tiếp đó, Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu và Hội LHPN xã Sì Lở Lầu, Ma Ly Chải tặng 800 cây đào giống cho các hội viên phụ nữ. Hiện nay, cây đào phát triển tốt, hứa hẹn sẽ cho nguồn thu nhập đáng kể. Chị Tẩn Tả Mẩy (bản Sin Chải, xã Sì Lở Lầu) cho biết: “Chồng tôi mất sớm, một mình nuôi 2 đứa con. Tôi cũng chỉ làm nương nên căn nhà cũ không có tiền để sửa. Nhờ có Hội LHPN và các chú BĐBP, tôi được làm nhà mới. Giờ thì 3 mẹ con tôi mùa đông không sợ lạnh, mùa mưa không sợ dột nữa rồi”.

Bên cạnh đó, các đồn Biên phòng, Hội LHPN các xã biên giới cũng tổ chức nhiều hoạt động truyền thông để chuyển đổi, nâng cao nhận thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú và đặt hiệu quả lên hàng đầu. Trong đó, Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ phối hợp với Hội LHPN xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây hoa địa lan rừng và phát triển du lịch cộng đồng cho 100 người trên địa bàn.

Tính đến tháng 10-2021, Hội LHPN xã và Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ đã giúp 9 gia đình hội viên thuộc diện cận nghèo và hộ nghèo tiếp cận vay vốn thuộc Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” với số tiền 105 triệu đồng để mua vật tư, mở rộng diện tích trồng cây địa lan.

Chị Giàng Thị Dua (bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ) chia sẻ câu chuyện của mình: “Tôi được Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, Hội LHPN xã Sin Suối Hồ hướng dẫn, tiếp cận vay được 74 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội và Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Với số tiền ấy, tôi đầu tư vào chăm sóc cây địa lan của gia đình. Ngoài bán cho khách du lịch, tôi bán cho các cửa hàng ở thành phố Lai Châu, thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai, thậm chí có khách ở Hà Nội cũng đặt mua với số lượng lớn. Đến nay, tôi đã trả hết nợ và có thêm vốn để đầu tư kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch. Tiền thu nhập không chỉ đủ trang trả cuộc sống mà còn có tích lũy. Bởi vậy, dịch Covid-19 bùng phát, thu nhập bị ảnh hưởng nhưng gia đình tôi vẫn ổn”.

Thực tế cho thấy, các hoạt động của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” của Hội LHPN và Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu đã tạo điều kiện giúp hội viên, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới phát huy năng lực, mở rộng phát triển kinh tế, tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững. Thông qua chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, BĐBP Lai Châu và Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Lai Châu đã có nhiều cách làm sáng tạo trong vận động, hỗ trợ phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, cùng nhau vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19.

Giàng Thị Nghĩa

Bình luận

ZALO