Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 03:57 GMT+7

Tạo ra khuôn khổ pháp lý để thích ứng hiệu quả với thiên tai

Biên phòng - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 28-5, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Luật Đê điều.

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, những năm qua, lực lượng BĐBP đã thực hiện có hiệu quả công tác PCTT, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: Viết Hà

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, Luật PCTT hiện hành chỉ quy định về Quỹ PCTT được thành lập ở cấp tỉnh là quỹ hoạt động phi lợi nhuận, ngoài ngân sách Nhà nước để hỗ trợ hoạt động PCTT ở địa phương. Thực tiễn PCTT cho thấy, ở địa phương thiên tai xảy ra nhiều thì nhu cầu sử dụng Quỹ lớn nhưng nguồn thu của quỹ lại thấp, ngược lại một số địa phương khác lại có kết dư Quỹ lớn. Do vậy, cần có cơ chế điều tiết giữa các Quỹ Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh.

“Việt Nam hiện tham gia nhiều hiệp định, thỏa thuận quốc tế về thiên tai, lại là nước bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, đã có một số Chính phủ, tổ chức quốc tế hỗ trợ trực tiếp cho khắc phục hậu quả thiên tai nhưng pháp luật hiện hành còn thiếu cơ chế tiếp nhận. Vì vậy, việc thành lập Quỹ PCTT ở Trung ương để tiếp nhận hỗ trợ trực tiếp nước ngoài và điều tiết từ Quỹ tai cấp tỉnh là cần thiết” - ông Phan Xuân Dũng cho biết.

Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều, các đại biểu đồng tình cao với việt thành lập Quỹ PCTT ở trung ương và nhận định, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay, việc thống nhất và thông qua Luật thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đối với toàn cầu nói chung, đối với từng người dân Việt Nam nói riêng.

Đối với lực lượng xung kích ở cơ sở đóng góp vai trò rất quan trọng trong thực hiện phương án PCTT với phương châm “4 tại chỗ”. Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề nghị, dân quân tự vệ, lực lượng xung kích, các tổ chức đoàn thể của địa phương thực hiện nhiệm vụ PCTT của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền phải quy định rõ về trách nhiệm. "Thời gian vừa qua trong PCTT cho thấy việc thống nhất về chỉ đạo, chỉ huy là rất quan trọng. Chúng ta tổ chức một lực lượng rất đông nhưng không có người chỉ huy thống nhất, hiệu quả sẽ rất thấp, thậm chí có thể gây cản trở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ" - Đại biểu Hà Tĩnh nêu quan điểm.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị, cần giao trách nhiệm cho các tổ chức, đặc biệt là lực lượng tại chỗ như Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, các tổ chức như đoàn thanh niên, hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, các doanh nghiệp, trường học trên địa bàn để ứng cứu kịp thời, hiệu quả các tình huống do thiên tai gây ra. Trong số các lực lượng này, cần có lực lượng chủ trì để xác định rõ trách nhiệm các lực lượng tham gia, đồng thời quy định rõ trong luật là giao cho dân quân tự vệ chủ trì.

Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, thiên tai luôn là vấn đề đặt ra với sự phát triển kinh tế và sinh kế của người dân. Thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt, với vị trí của Việt Nam nằm ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bên bờ biển Đông, rốn bão của thế giới, do đó Việt Nam thường xuyên gặp thiên tai. Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, Việt Nam nằm trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.

Chính vì thế, chúng ta phải luôn luôn có chính sách, chủ trương tùy từng giai đoạn, kịp thời. Quốc hội cho phép sửa Luật PCTT và Luật Đê điều nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý một cách đầy đủ, phù hợp hơn để thích ứng với tình hình mới và PCTT hiệu quả.

Danh Anh

Bình luận

ZALO