Biên phòng - Sáng 27-9, tại Hà Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Báo cáo 10 năm thực hiện tiêu chí văn hóa thuộc Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM cho biết, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 qua quá trình triển khai thực hiện đã đạt được nhiều thành tựu, diện mạo vùng nông thôn đã có nhiều đổi thay tích cực: Sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề có bước phát triển mạnh; văn hóa, xã hội, an ninh nông thôn được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao, xuất hiện nhiều mô hình điển hình trong xây dựng NTM ở các lĩnh vực...
Theo Tổng hợp của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, đến tháng 8-2019 cả nước có 4.475 xã/8.982 xã đạt chuẩn NTM; 87/664 đơn vị cấp huyện thuộc 38 tỉnh thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí... Đặc biệt, Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương và Đà Nẵng là 4 tỉnh, thành phố đầu tiên có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó tỉnh Đồng Nai có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn NTM mới đã mang lại nhiều kết quả rõ rệt; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần ở nông thôn cũng đang được nâng lên, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc góp phần quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM gồm 19 tiêu chí, trong đó lĩnh vực văn hóa có 2 tiêu chí: Tiêu chí thứ 6 (về cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí 16 (về văn hóa). Thực hiện 2 tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM đã đã góp phần bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, tích cực xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội; rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào vùng nông thôn với thành thị. Đồng thời, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; tạo điều kiện để người dân ở vùng nông thôn tham gia nhiều hơn vào các hoạt động văn hóa thể thao và sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy các loại hình văn nghệ dân gian truyền thống.
Tính đến tháng 8-2019, cả nước có 7.035/8.982 (đạt 78,3%) Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã trong đó có 5.030/7.035 (đạt 71,4%) Trung tâm Văn hóa-Thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH,TT&DL. Các địa phương quan tâm xây dựng hội trường đa năng để tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động, sinh hoạt câu lạc bộ, đọc sách báo, văn nghệ, thể thao quần chúng; 7.380 sân bóng đá 11 người, 14.866 sân bóng đá mini, 10.101 phòng tập hoặc nhà tập, 766 hồ bơi hoặc bể bơi đơn giản; trên 38.000 CLB thể dục thể thao trên địa bàn cấp xã ...
Thiết chế văn hóa cấp thôn có nội dung hoạt động đa dạng phong phú, gắn bó thiết thực với đời sống cộng đồng, là nơi sinh hoạt chính trị - xã hội với nhiều tên gọi khác nhau như: Nhà văn hóa, Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, Nhà làng… có ý nghĩa thiết thực với địa bàn dân cư, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, thiểu số, biên giới, hải đảo.
Xác định người dân là chủ thể trong sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở luôn gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư. Trong đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là nhiệm vụ cốt lõi. Nhiều địa phương đã xây dựng gia đình văn hóa điển hình, mẫu mực, có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các phong trào của địa phương.

Công tác xã hội hóa ở khắp các địa phương trong cả nước được sự đồng thuận cao trong việc huy động nguồn lực xã hội, phát huy hiệu quả từ trong dân, người dân tự nguyện hiến đất tạo thêm nguồn lực quan trọng để xây dựng NTM; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, những tập tục không còn phù hợp với xã hội hiện đại được loại bỏ dần; hệ thống thiết chế văn hóa được quy hoạch tạo không gian học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí, luyện tập thể dục thể thao cho người dân.
Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của người dân trong xây dựng đất nước, đồng thời cũng là tài sản vô giá, mà còn là sản phẩm văn hóa - du lịch phục vụ thiết thực nhu cầu sinh hoạt văn hoá cộng đồng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và trong xây dựng NTM. Cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, cư trú tại những địa bàn khác nhau với bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú đa đạng, với 26 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh; 105 di tích quốc gia đặc biệt; 3.423 di tích quốc gia; hơn 10.000 di tích cấp tỉnh/thành, gần 69.000 di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện, kiểm kê, trong đó có 288 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. ...
Các đại biểu dự hội nghị đã có những tham luận nêu lên những thuận lợi và bất cập trong quá trình thực hiện bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, trong đó có những cách làm sáng tạo trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Kết luận hội nghị, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL đã nhất trí với tham luận của các đại biểu khi cho rằng cần phải tăng cường đầu tư cho văn hóa, bởi thực tế hiện nay, việc đầu tư cho văn hóa phải tương xứng so với các lĩnh vực khác.
Đồng chí Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần hết sức lưu ý tới việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng NTM, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, không được phá vỡ cảnh quan môi trường đặc biệt là môi trường văn hóa; cần phát huy được sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể khác, trong đó quan trọng nhất là chủ thể người dân, cộng đồng dân cư tích cực hưởng ứng vào việc xây dưng các tiêu chí văn hóa trong NTM...
Nhân dịp này, Bộ VH,TT&DL đã tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện tiêu chí văn hóa thuộc Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM.
Thanh Thuận