Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:54 GMT+7

Tảo hôn - vấn đề “nhức nhối” trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Nhiều năm gần đây, công tác dân số ở khu vực miền núi, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã đạt được nhiều bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực trạng tảo hôn (kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định) vẫn là một trong những vấn đề vô cùng “nhức nhối”.

Cán bộ dân số tuyến cơ sở phổ biến nội dung mô hình can thiệp dân số đến đồng bào vùng cao. Ảnh: TTXVN

Cản trở tiến trình đi lên

Tại xã Bình Lãng, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng, chị Lý Mùi D. (sinh năm 1993), năm 16 tuổi đã bỏ học để lấy người chồng hơn mình 2 tuổi ở cùng thôn. Khi đó, cả hai vợ chồng đều chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Những bỡ ngỡ của tuổi mới lớn đã khiến cuộc sống của đôi vợ chồng không hề mặn mà, thậm chí còn thờ ơ, không nói chuyện với nhau. Tuy nhiên, điều đáng buồn nhất theo chia sẻ của chị D. là việc hai vợ chồng hầu như không biết làm ăn mà chỉ sống nhờ việc làm ruộng, trồng ngô. Thêm vào đó, việc sinh đẻ và nuôi dưỡng em bé khiến cuộc sống của vợ chồng D. thêm muôn vàn khó khăn. Dù chính quyền địa phương hỗ trợ rất nhiều, nhất là hướng dẫn trồng cây thuốc lá và có được thu nhập 20 triệu đồng/năm, song, từng ấy là chưa đủ để có một cuộc sống ấm êm cơ bản khi hai vợ chồng vẫn nợ nần chồng chất không biết bao giờ mới trả đủ vì xây căn nhà nhỏ.

Chuyện nhà D. không phải là hiếm có trong vùng, thậm chí còn có chiều hướng duy trì những tập quán lạc hậu, bảo thủ. Anh trai của D. cũng tảo hôn và có đời sống khó khăn tương tự. Tuy nhiên, chính cuộc sống chồng chất khó khăn đã khiến đôi vợ chồng này ly hôn sau một khoảng thời gian ngắn.

Tình trạng tảo hôn ở đồng bào DTTS vẫn khá phức tạp, nhất là độ tuổi tảo hôn trên đà giảm từ 15, 16 tuổi xuống còn 12, 13 tuổi. Đây là vấn đề vô cùng nhức nhối trong đời sống xã hội và cũng làm “đau đầu” các cơ quan chức năng. Nguyên nhân của thực trạng này một phần không nhỏ xuất phát từ trình độ văn hóa thấp của người DTTS.

Kết quả Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS lần thứ I vào năm 2014 do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê tiến hành, cho biết, có 26,6% người DTTS tảo hôn. Kết quả cuộc điều tra lần thứ II vào năm 2019, có 21,9% người DTTS tảo hôn. Như vậy, trong 7 năm, tỷ lệ tảo hôn giảm 4,7%, tương ứng mỗi năm giảm 0,94%.

Dù giảm, song, con số này vẫn còn quá lớn với mức giảm còn chậm. Mặt khác, đây là con số trung bình cả nước nên trên thực tế, thống kê cụ thể từng dân tộc còn có những con số đáng ngại hơn. Theo thống kê, toàn bộ 53 DTTS đều ghi nhận tình trạng tảo hôn. Trong đó, 5 DTTS “đầu bảng” là: Mông (51,5%), Cờ Lao (47,8%), Mảng (47,2%), Xinh Mun (44%), Mạ 39,2%).

Cũng theo kết quả điều tra, phân tích theo trình độ chuyên môn kỹ thuật (trình độ sơ cấp trở lên), 1,1% người DTTS tảo hôn có trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong khi tỷ lệ này ở những người không tảo hôn cao gấp hơn 18 lần (18,8%). 31/53 DTTS có tình trạng 100% số người tảo hôn không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Chỉ có 1,6% nam giới có trình độ chuyên môn kỹ thuật tảo hôn so với tỷ lệ tương ứng của nữ là 0,6%.

Cần sớm giải quyết những hệ lụy

Phân tích về những hệ lụy, các cơ quan chức năng khẳng định, tảo hôn là nguyên nhân chính làm dân số tăng nhanh nhưng chất lượng giảm. Bởi lẽ, việc kết hôn sớm của người DTTS luôn đi kèm với sinh đẻ, trong khi người mẹ còn trong lứa tuổi vị thành niên, tuổi dậy thì chưa phát triển hoàn thiện thể chất, đi kèm với thiếu hiểu biết về quá trình sinh nở gây nên tình trạng trẻ nhỏ được sinh ra có nguy cơ rất cao mắc các bệnh về nhiễm sắc thể, bệnh Down, dị tật, sức khỏe kém, chậm phát triển…

Trên thực tế, theo báo cáo “Suy dinh dưỡng dai dẳng trong cộng đồng các DTTS tại Việt Nam: Vấn đề và các giải pháp can thiệp” do Ngân hàng Thế giới và Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện năm 2019, cứ 3 trẻ em DTTS thì có 1 em thấp còi, tương đương 33,3%; cứ 5 em có 1 em nhẹ cân, tương đương 20%. Đặc biệt, tử lệ tử vong của thai phụ DTTS cũng ghi nhận mức tăng. Theo thống của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Ủy ban Dân tộc năm 2015, tỷ lệ tử vong bà mẹ ở một số DTTS gồm: Mông, Thái, Ba Na, Tày, Dao, Nùng cao gấp 4 lần so với phụ nữ dân tộc Kinh, Hoa. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), các biến chứng khi mang thai và khi sinh tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nữ giới từ 15 đến 19 tuổi ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Một người mẹ trẻ tuổi DTTS địu 2 đứa con đi làm tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Thanh Trúc.

Một trong những hệ lụy nổi cộm nhất mà tảo hôn gây ra là sự ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ. Chất lượng dân số là một tiêu chí đánh giá quan trọng bậc nhất về mức độ văn minh, tiến bộ xã hội. Từ phân tích khoa học và ghi nhận thực tế cho thấy, tảo hôn làm suy thoái giống nòi khi trẻ em sinh ra không khỏe mạnh, dễ mắc bệnh tật, tạo ra nguy cơ xấu về nguồn nhân lực trong tương lai. Trong đời sống xã hội, việc có con em ốm yếu cũng khiến tình trạng kinh tế gia đình lâm cảnh khốn khó, áp lực tinh thần… kéo theo các hệ lụy xã hội khác.

Theo giới chuyên gia về nhân khẩu học, dễ thấy, hệ lụy từ tảo hôn kìm hãm sự phát triển đồng bào DTTS hạn chế về nguồn nhân lực, làm giảm những kỳ vọng phát triển của người DTTS. Điều này cũng sẽ cản trở nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, vốn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước.

Tảo hôn là lạc hậu theo cách tiếp cận đa chiều. Trong guồng phát triển của thời đại văn minh, tiến bộ, sự lạc hậu, cổ hủ sẽ luôn dẫn tới nghèo đói. Trên thực tế, DTTS hiện khó bức phá phát triển kinh tế, trong đó, các DTTS có tỷ lệ tảo hôn cao thì tỷ lệ nghèo đói cũng cao, điển hình như dân tộc Mông có tỷ lệ tảo hôn là 51,5% thì tỷ lệ nghèo đói là 52,7%; dân tộc Mảng có tỷ lệ tảo hôn là 47,2%, tỷ lệ nghèo đói là 66,3%; dân tộc Xinh Mun có tỷ lệ tảo hôn là 44%, tỷ lệ nghèo đói là 65,3%;…

Theo các chuyên gia, kết hôn là quyền con người nhưng tảo hôn là hành vi vi phạm pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Thực tế, nạn tảo hôn đang cản trở việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, tiến bộ ở các vùng DTTS. Nếu không có những giải pháp đủ mạnh, mang tính căn cơ để ngăn chặn hiệu quả tảo hôn, thì chắc chắn rằng, đời sống đồng bào DTTS vẫn sẽ bị kìm hãm. Cùng với đó, các nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân về phát triển đồng đều, toàn diện cũng sẽ bị cản trở.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO