Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:39 GMT+7

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống: “Nỗi đau” còn dai dẳng

Biên phòng - Trong rất nhiều hủ tục có một vấn nạn còn tồn tại bấy lâu nay đó chính là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đặc biệt, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Điều này, để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu sổ.

Cán bộ quân y Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang cùng y tá Trạm y tế xã Lũng Cú đến từng nhà tuyên truyền cho bà con về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Kim Nhượng

Vào những ngày của tháng 11-2021, chúng tôi có dịp đến với Trạm xá Quân dân y kết hợp thuộc Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang. Thượng úy Lê Xuân Lâm, nhân viên quân y Đồn Biên phòng Lũng Cú, cùng hai nhân viên Trạm y tế xã Lũng Cú đang thực hiện ca đỡ đẻ cho sản phụ Thò Thị Giả, sinh năm 2006, thôn Sáy Sà Phìn, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Sản phụ Giả sinh hạ một bé trai sau hơn 3 giờ đồng hồ vật lộn với những cơn đau trở dạ, đón nhận đứa con trai đầu lòng, dù rất vui sướng, nhưng chồng Giả là anh Sùng Mí Say cũng chưa biết đặt tên con là gì, lấy gì để nuôi con sau này, vì bản thân Say hiện đang không có việc làm.

Trò chuyện với chúng tôi về nỗi lo lắng sau khi đứa trẻ ra đời, Say lúng túng nhìn sang bố như cầu cứu. Những câu chuyện như của Sùng Mí Say không phải là cá biệt ở Lũng Cú. Nhiều gia đình khác cũng rơi vào hoàn cảnh tảo hôn như trường hợp của Sùng Mý Say và Thò Thị Giả.

Để hạn chế những hệ lụy từ những cuộc hôn nhân trên, đã nhiều năm chính quyền các cấp luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, áp dụng các hình thức xử phạt, nhưng tảo hôn vẫn cứ dai dẳng. Nói đến đây chị Phạm Thị Ly, y tá của UBND xã Lũng Cú lắc đầu “Gia đình họ nghèo lắm, cơm ăn còn phải xoay sở hàng ngày thì lấy đâu ra đóng tiền phạt”. Việc xử lý hành vi tảo hôn còn một số vướng mắc, chỉ có quy định xử lý về hành vi tổ chức tảo hôn, do ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em hoặc người thân thích khác (của những người tảo hôn) tổ chức kết hôn cho những người chưa đến tuổi. Và để xác định các hành vi tổ chức tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS rất khó khăn, do nhiều cặp tảo hôn mà cả hai bên gia đình không hề có các hành vi tổ chức hoặc có nhưng không rõ ràng, không chứng cứ... do đó khó có thể xử lý hành chính. Bởi nguyên nhân chỉ là những giây phút bồng bột của đôi trẻ, đến khi sự việc vỡ lở, thì mọi sự đã rồi.

Để giảm thiểu tình trạng trên, không phải chuyện một sớm một chiều, cũng không thể chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mà còn phải tạo sinh kế, tạo việc làm, hỗ trợ sản xuất, giáo dục giới tính, nhất là với trẻ vị thành niên. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với nhiều giải pháp đồng bộ; thậm chí áp dụng mạnh hơn nữa chế tài xử phạt hành vi tảo hôn, đặc biệt là hủ tục bắt vợ của một bộ phận đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, các cấp, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh vận động, tuyên truyền cho người, áp dụng nghiêm các quy ước, hương ước thôn bản, phù hợp với tập quán dân tộc địa phương và gắn với các quy định của pháp luật.

Chia sẻ về vấn đề này Trung tá Đỗ Đăng Nhiệm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang chia sẻ: Những năm qua, ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn đơn vị phụ trách, Đồn Biên phòng Lũng Cú luôn tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền cho bà con về xóa bỏ hủ tục nhất là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Thiết nghĩ để làm tốt công tác tuyên truyền cho bà con về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nên kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm bằng quy định của pháp luật và quy ước, hương ước của địa phương; cùng lúc xây dựng các gương điển hình trong tuyên truyền, vận động xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đa dạng hóa hình thức và sản phẩm tuyên truyền theo hướng đơn giản, hiệu quả, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hiện. Chỉ có như vậy người dân mới có thể thấy rõ được hệ lụy của các hủ tục trong hôn nhân, dần thay đổi nhận thức, hành vi của chính bản thân mình, từ đó đem lại hiệu quả cho công tác tuyên truyền chống tảo hôn cũng như hôn nhân cận huyết thống, dần dần làm thay đổi tư duy của đồng bào DTTS, để cuộc sống người dân ngày một đi lên, dần dần từ bỏ hoàn toàn các hủ tục lạc lậu, trong đó có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Hà Giang là tỉnh miền núi có 19 dân tộc anh em cùng chung sống, dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 87,67%; trong đó, dân tộc Mông chiếm 34,24%, Dao 14,88%, Nùng 9,53%... Có 5 DTTS dưới 10.000 người gồm: Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao. Hầu hết đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Theo thông tin qua tìm hiểu, chúng tôi được biết năm 2020, toàn tỉnh Hà Giang có tới 599 trường hợp tảo hôn; Trước đó, từ năm 2015 đến năm 2019, địa phương này đã có 2.348 cặp tảo hôn. Dù tỉnh Hà Giang đã có nhiều giải pháp ngăn chặn và giảm thiểu tảo hôn, nhưng tình trạng này vẫn chưa giảm như mong muốn của các cấp, các ngành.

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO