Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 09/06/2023 05:45 GMT+7

Tảo hôn ở vùng dân tộc thiểu số cao gấp 10 lần tỷ lệ chung của cả nước

Biên phòng - Đó là thông tin tại Hội thảo với chủ đề “Phòng ngừa, chấm dứt tảo hôn và kết hôn trẻ em: Bài học kinh nghiệm và thực tiễn”, do Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UNWomen) tổ chức ngày 29-6, tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia của 100 chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế, các bộ, ban, ngành và đại diện của các địa phương trong toàn quốc.

5954aad41441aa61710006e9
​Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hà Hùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bình Minh​

Theo thông tin từ hội thảo, ở Việt Nam mặc dù đã có Luật Hôn nhân và Gia đình song đến nay vẫn có 11% phụ nữ kết hôn và sống chung như vợ chồng trước tuổi 18, đặc biệt là ở nhóm các dân tộc thiểu số (DTTS).

Theo kết quả điều tra thực trạng 53 DTTS thì tỷ lệ tảo hôn trong các nhóm DTTS là 26.6% (cao gấp 18 lần so với dân tộc Kinh và gấp 10 lần so với tỷ lệ chung của cả nước), thậm chí tỷ lệ này ở nhiều DTTS là rất cao (lên đến 50- 70%). Thêm và đó, các dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao nhất thường rơi vào các dân tộc sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa…

Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hà Hùng, tảo hôn thực sự đang là "rào cản" lớn trong quá trình phát triển vùng DTTS. Nếu xét trên bình diện tổng thể thì tảo hôn còn tác động trực tiếp đến các vấn đề kinh tế - xã hội, tạo thành một vòng luẩn quẩn của đói nghèo trong cộng đồng DTTS. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững  vùng DTTS.

Các ý kiến  từ các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, “chìa khóa” để giải quyết tình trạng tảo hôn ở Việt Nam là tăng quyền và đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái, bởi đây là đối tượng cần được tư vấn về pháp luật và y tế, kể cả sức khỏe sinh sản và tình dục cũng như các dịch vụ xã hội khác...

Các đại biểu cũng đưa ra khuyến nghị, cần phải xây dựng các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, cải thiện việc tiếp cận thông tin và dịch vụ pháp lý cho phù hợp với thực tế ở vùng DTTS. Đặc biệt, cần có cách tiếp cận nhiều chiều, liên ngành trong vấn đề phòng chống và giảm thiểu tình trạng tảo hôn…

Bình Minh

Bình luận

ZALO