Biên phòng - Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là những vùng miền núi phía Bắc, nạn tảo hôn vẫn còn tồn tại một cách dai dẳng, cùng với những tập tục lạc hậu làm cho người dân nơi đây vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn. Những cô bé, cậu bé còn đang ở tuổi ăn tuổi lớn, đã phải oằn mình với gánh nặng gia đình, cong lưng cõng những đứa con mới 2-3 tháng tuổi. Những cậu bé, cô bé nhẽ ra phải được cắp sách tới trường, giờ đây lại trở thành những “ông bố, bà mẹ” ở tuổi vị thành niên.
3 xã vùng cao Pa Vây Sử, Mồ Sì San, Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã vào cuối mùa khô. Khoảng thời gian này, việc làm nương rẫy tạm gác lại, đây cũng là lúc những chàng trai, cô gái dân tộc Mông, Dao nơi đây bắt đầu tìm hiểu nhau, xây dựng gia đình. Người dân địa phương quan niệm: “Đây là mùa cưới”.
Đi dọc con đường vắt ngang qua những triền núi, trên bản làng nằm chót vót của xã Pa Vây Sử không khó bắt gặp những đôi vợ chồng tuổi vị thành niên, địu con sau lưng xuống chợ trung tâm xã để mua thực phẩm cho cả tuần.
Anh Đồng Thanh Vươn, cán bộ tư pháp xã Pa Vây Sử chia sẻ: “Năm ngoái, chúng tôi tới tận nhà vận động gia đình, họ hàng, hoãn đám cưới hai trường hợp là em Sùng A Tính, 14 tuổi và vợ là Sùng Thị Mỷ, 14 tuổi. Để vận động được người dân, nhất là bố mẹ các em thật sự khó khăn, kết hợp tuyên truyền, giải thích cặn kẽ Luật Hôn nhân và Gia đình cho họ hàng, gia đình hai em mới chịu cho hoãn cưới. Nhưng chỉ ít tháng sau, gia đình lại tổ chức cưới cho hai em, giờ con cũng đã mấy tháng tuổi”.
Anh Vươn chỉ tay ra sân kho trợ cấp gạo cho hộ nghèo của xã, điểm mặt những cặp vợ chồng vị thành niên trong xã. Không cần phải tìm đâu xa, cũng không cần lên bản, tôi đã gặp hầu hết những trường hợp tảo hôn đang đứng chờ nhận gạo cứu đói cho hộ nghèo. Trước mắt chúng tôi là hai vợ chồng còn quá trẻ, Giang Thị Bầu đang loay hoay cho gạo vào bao tải, còn Lầu A Dũng địu con hỗ trợ cho vợ mình. Tiến lại gần Lầu A Dũng, tôi hỏi: “Tại sao lấy vợ sớm thế? Sao không đi học?”.
Lầu A Dũng thản nhiên trả lời: “Lấy vợ sớm còn có người làm nương, đi học thì không no cái bụng được, nhà không có gì ăn”. Tôi hỏi tiếp: “Nhưng bỏ học lấy vợ cũng không đủ ăn, vẫn phải xuống xã nhận gạo cứu đói của Nhà nước!”. Trước câu hỏi của tôi, Lầu A Dũng chỉ cúi mặt nói lí nhí: “Bố mẹ mình bắt mình lấy thôi mà”.
Chỉ tính riêng “mùa cưới” đầu năm 2018, xã Pa Vây Sử đã có tới 5 trường hợp tảo hôn, hầu như các em đều ở độ tuổi còn đang học trung học cơ sở. Nhiều năm trở lại đây, chính quyền địa phương cũng như các cấp, ban, ngành trong xã đã nỗ lực hết sức nhằm hạn chế nạn tảo hôn trên địa bàn, nhưng do nhiều nguyên nhân vấn đề tảo hôn vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Nạn tảo hôn còn tồn tại dai dẳng phần đa là do nhận thức của người dân còn hạn chế, cộng thêm những tập tục lạc hậu của địa phương để lại từ nhiều đời nay.
Ông Hảng A Tủa, Chủ tịch UBND xã Pa Vây Sử cho biết: Xã Pa Vây Sử có 7 bản, 417 hộ, gồm 2.381 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông, đời sống người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỉ lệ đói nghèo chiếm 73%. Tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra dai dẳng do nhận thức của bà con còn hạn hẹp, kéo theo đó là tập tục ở địa phương còn lạc lậu. Nhiều gia đình làm lễ cưới cho con em mình hầu như không thông qua chính quyền địa phương mà nhờ thầy cúng làm cho.
Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Mông, Dao hôn nhân của con cái do cha mẹ sắp đặt; việc lấy vợ, chồng cho con cái còn để gia đình có thêm nhân lực lao động. Khi cán bộ dân số địa phương đến nơi tuyên truyền, vận động thì họ lại tìm cách trốn tránh, ngăn cản với những lý do hôn lễ đã ấn định, con cái họ không thể hoãn cưới. Có những câu chuyện tưởng chừng như hài hước nhưng lại là thật, hai ông bố xuống chợ gặp nhau, ngồi uống vài ba bát rượu, thế là nhận gả con cho nhau, sau đó mặc nhiên những đứa trẻ bỗng chốc bị cha, mẹ “ép lấy vợ, lấy chồng”.
Ông Tủa cho biết thêm: Xử phạt hành chính có thể áp dụng được với những nơi đời sống người dân khá giả, nhận thức cao, như ở dưới miền xuôi, đồng bằng, còn ở đây xử phạt hành chính là rất khó, đời sống bà con khó khăn. Mỗi tháng những hộ nghèo phải xuống xã nhận gạo cứu trợ của Nhà nước thì lấy đâu tiền mà nộp phạt vi phạm hành chính. Tiếp nữa, trở ngại lớn đối với cán bộ, chính quyền địa phương là lực lượng còn ít, trong khi, đồng bào dân tộc thiểu số lại sống rải rác trên núi cao, hẻo lánh. Bởi vậy, việc nắm bắt thông tin của cán bộ cũng phần nào hạn chế, chưa kịp thời ngăn chặn nạn tảo hôn xảy ra.
Với vấn nạn tảo hôn ở miền núi thì các cấp chính quyền chủ yếu vẫn dùng biện pháp vận động, tuyên truyền là chủ yếu, dần dần làm thay đổi nhận thức của bà con. UBND xã đã nhiều lần thực hiện các đề án tuyên truyền như chiếu phim về tác hại của nạn tảo hôn cho bà con xem, cử cán bộ xuống địa bàn vận động, phát tờ rơi, nhất vào những tháng đầu năm mới, tháng mà bà con quan niệm đây là “mùa cưới” nhưng xem ra hiệu quả cũng không mấy khả quan.
Chia tay với xã Pa Vây Sử khi trời đã xế chiều. Đi dọc con đường trên những sườn núi, tôi vẫn thường bắt gặp những cặp vợ chồng mà tuổi đời chỉ mới 13-14, cõng sau lưng là đứa con nhỏ. Cái đói, cái nghèo cứ bám riết mãi, không biết rồi tương lai những cô bé, cậu bé này sẽ về đâu? Ở cái lứa tuổi đáng ra phải được cắp sách tới trường, đi học để xây dựng tương lai cho bản thân, thì các em lại trở thành những ông bố, bà mẹ vị thành niên còng lưng lo việc gia đình, con cái nheo nhóc.
Kim Nhượng