Biên phòng - Trên cơ sở tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP và thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, tháng 2-2019, Bộ Quốc phòng đã có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Mục tiêu của việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam là nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực hiện Pháp lệnh, đồng thời, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và các điều ước quốc tế về biên giới, quản lý cửa khẩu mà Việt Nam là thành viên.

Nước ta có gần 8.000km đường biên giới đất liền và trên biển (trong đó, biên giới đất liền 4.653,556km; biên giới trên biển 3.200km) trải dài 44 tỉnh, thành biên giới. Trong đó, tuyến biên giới đất liền có 25 tỉnh tiếp giáp với 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, với 103 huyện, thị xã biên giới và 435 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới. Đây cũng là địa bàn tập trung 23 cửa khẩu quốc tế, 19 cửa khẩu chính, 63 cửa khẩu phụ và 3 cảng nội địa. Tuyến biển đảo, có 28 tỉnh, thành phố ven biển với 136 huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, 675 xã phường, thị trấn khu vực biên giới biển; có 189 cảng biển, 15 khu kinh tế ven biển với hàng trăm dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhìn vào những số liệu trên có thể thấy, khu vực biên giới đất liền, biển đảo của nước ta có vị trí địa-chính trị quan trọng, song khu vực này nhìn chung chưa phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh so với các khu vực khác trong cả nước; hơn nữa, đây lại là địa bàn tập trung chủ yếu là đồng bào dân tộc sinh sống (49 dân tộc) có mối quan hệ thân tộc, dòng họ lâu đời hai bên biên giới.
Chính vì thế, lợi dụng cuộc sống của người dân ở khu vực này còn khó khăn, các thế lực thù địch không ngừng tìm cách móc nối, lôi kéo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin của người dân để tụ tập gây rối đòi thành lập nhà nước ly khai, tự trị (nhà nước Đề Ga, nhà nước Mông), tuyên truyền hoạt động tôn giáo trái pháp luật... Còn tuyến biển đảo, các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống đang tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định tình hình an ninh trật tự khu vực và chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Do vậy, tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP (Bộ Quốc phòng được Chính phủ giao chủ trì tổ chức hội nghị tổng kết toàn quốc) đã chỉ ra các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Pháp lệnh dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình hiện nay.
Nổi bật là, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới, song chưa được thể chế hóa, cập nhật đầy đủ trong Pháp lệnh nên chưa tạo được hành lang pháp lý toàn diện, đầy đủ, đảm bảo cho lực lượng vũ trang làm nòng cốt, lực lượng chuyên trách (BĐBP) nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Pháp lệnh cũng chưa đáp ứng yêu cầu luật hóa các quy định liên quan quyền con người, quyền công dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm theo quy định tại Điều 14, Điều 66, Điều 67, Hiến pháp năm 2013.
Đồng thời, Pháp lệnh cũng chưa luật hóa nhiệm vụ biên phòng, các hình thức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, biện pháp công tác biên phòng để đảm bảo thống nhất với các chính sách của Nhà nước về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia theo quy định của Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Quốc phòng năm 2018.
Đặc biệt, quá trình tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP, hầu hết các Bộ, ban, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có biên giới đều thống nhất đề nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới và xây dựng BĐBP đảm bảo thống nhất với Hiến pháp, các văn bản pháp luật liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Để khắc phục những điểm bất cập trên và thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh BĐBP tham mưu xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam với phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Pháp lệnh BĐBP để thể chế hóa đầy đủ, toàn diện, kịp thời chủ trương, quan điểm, nguyên tắc của Đảng về bảo vệ biên giới; luật hóa nhiệm vụ biên phòng, các hình thức quản lý, bảo vệ biên giới, biện pháp công tác biên phòng để trình Quốc hội xem xét thông qua.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, đến thời điểm này, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ hoàn chỉnh Đề cương chi tiết Luật Biên phòng Việt Nam trình Bộ Quốc phòng để trình Chính phủ báo cáo Thường vụ Quốc hội và đề nghị bổ sung việc xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 và thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Đề cương chi tiết dự án Luật Biên phòng Việt Nam đã xác định rõ nhiệm vụ biên phòng; quán triệt đầy đủ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP theo “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Luật Biên phòng Việt Nam khi được ban hành sẽ khắc phục được những bất cập trong Pháp lệnh BĐBP và đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và các điều ước quốc tế về biên giới, cửa khẩu mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Qua đó, đảm bảo tính chủ động cho các lực lượng vũ trang nói chung, BĐBP nói riêng trong quản lý, bảo vệ biên giới trong các tình huống, tạo cơ sở pháp lý để các lực lượng và BĐBP thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới cũng như các công tác phối hợp... để xử lý các vụ việc xảy ra trên biên giới theo các hiệp định về biên giới, cửa khẩu mà Việt Nam ký kết với các nước láng giềng.
Đồng thời, Luật Biên phòng Việt Nam ra đời sẽ chuẩn hóa quy định, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 về Chiến lược bảo vệ biên giới. Việc chuẩn hóa này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các lực lượng (BĐBP là chuyên trách, lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt) hoàn thành tốt nhiệm vụ biên phòng, nhất là nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới và phòng thủ biên giới. Đặc biệt, đây cũng là cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả công tác phối hợp giữa BĐBP và Hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu biên giới đất liển, cửa khẩu cảng.
Bên cạnh đó, Luật Biên phòng Việt Nam ra đời sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tổ chức, cá nhân xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Đồng thời, xây dựng hệ thống các hình thức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia đồng bộ, thống nhất; phòng ngừa và làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm biên giới quốc gia, bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân các mục tiêu chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh khu vực biên giới, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt và BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng làm chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Hương Mai