Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 29/09/2023 07:05 GMT+7

Luật Cảnh sát biển Việt Nam:

Tạo hành lang pháp lý để lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ trên biển

Biên phòng - Chiều 22-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình Luật Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN).

smg3jqw402-76301_1342489189199533495_BT_NXL
Đại tướng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Văn Bình

Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, tình hình trên biển đang diễn biến ngày một khó lường, các tình huống liên quan tới quốc phòng - an ninh trên biển liên tiếp xảy ra. Cùng với đó là các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Vì vậy, nhiệm vụ của CSBVN ngày một nặng nề hơn, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có luật tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho tổ chức hoạt động của lực lượng CSBVN, phù hợp với hội nhập quốc tế.

Thẩm tra dự án Luật CSBVN, Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng CSBVN, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý, đồng bộ cho hoạt động của lực lượng CSBVN; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế. Đồng thời, thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, chính sách của Đảng về định hướng Chiến lược biển đến năm 2020, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là định hướng Chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên biển.

Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh, về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của CSBVN (Điều 4, Điều 9), qua thảo luận tại Ủy ban Quốc phòng – An ninh, một số ý kiến cho rằng, quy định “CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân” tại khoản 1, Điều 4 là chưa phù hợp với Hiến pháp và Luật Quốc phòng, dễ dẫn đến cách hiểu CSBVN không thuộc Bộ Quốc phòng. Khoản 2, Điều 4 quy định CSBVN có chức năng “bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, môi trường biển và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam …” sẽ chồng chéo với chức năng của nhiều lực lượng hoạt động trên biển và các cơ quan, tổ chức khác. Ngoài ra, cân nhắc khoản 3, Điều 9 tránh chồng chéo về nhiệm vụ của Hải quân, Công an, BĐBP, Kiểm ngư…

Để tránh sự chồng chéo, tạo “khoảng trống” an ninh trên biển, Thượng tướng Võ Trọng Việt đề nghị: “Ban soạn thảo cần nghiên cứu các ý kiến trên, xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của CSBVN phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng và thực hiện chủ trương của Đảng: “Khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ để một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính”.

Danh Anh

Bình luận

ZALO