Biên phòng - Tại Hội nghị tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP, trên cơ sở đánh giá kết quả, phân tích những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện, các đại biểu đã kiến nghị, đề xuất Đảng, Nhà nước nhiều giải pháp nhằm xây dựng lực lượng BĐBP ổn định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhân dịp này, phóng viên Báo Biên phòng đã lược ghi ý kiến của một số đại biểu tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam:
Từ năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Đến nay, đã có 110 xã biên giới khó khăn của 25 tỉnh biên giới được hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất, mái ấm tình thương, công trình phúc lợi, tập huấn nâng cao kiến thức... Kết quả nêu trên cũng như rất nhiều hoạt động khác đều có dấu ấn quan trọng của lực lượng BĐBP với nhiều việc làm trách nhiệm, thiết thực và nghĩa tình. Thay mặt hội viên, phụ nữ và cán bộ hội các cấp, tôi xin trân trọng cảm ơn Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP và toàn thể cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trên cả nước đã, đang bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tận tâm, tận lực vì cuộc sống của người dân, mang đến sự tiến bộ, bình yên, niềm vui, hạnh phúc cho nhiều phụ nữ.
Chúng tôi đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, tập trung phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh ở khu vực biên giới, quan tâm xây dựng lực lượng BĐBP đảm bảo thực hiện tốt vai trò lực lượng chuyên trách trong bảo vệ biên giới quốc gia; sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để BĐBP đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cùng với đó, quan tâm đầu tư các chương trình, đề án, giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình ở vùng biên. Các vấn đề này rất cần sự tham gia giải quyết đồng bộ, tập trung của nhiều cấp, nhiều ngành trong hệ thống chính trị.

Trung tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3:
Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 đã lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu tích cực, chủ động phối hợp với lực lượng BĐBP, Công an và cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ về quốc phòng, an ninh.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng giữa lực lượng vũ trang Quân khu 3 với BĐBP trên địa bàn tham gia xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới, biển đảo, chúng tôi thống nhất đề xuất nghiên cứu nâng Pháp lệnh BĐBP thành Luật Biên phòng Việt Nam để phù hợp với tình hình hiện nay. Chính phủ cũng cần quan tâm hơn nữa về chính sách hỗ trợ cho đồng bào biên giới, hải đảo, để nhân dân yên tâm định canh định cư lâu dài. Đặc biệt là quan tâm đến cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới. Đối với địa bàn Quân khu 3, cần quan tâm tới hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kè ở khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn đến vấn đề phát triển kinh tế biển đảo, tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng Công an, Biên phòng và Hải quân tạo sự khép kín, là trụ cột cho nhân dân yên tâm đánh bắt hải sản, bảo vệ biên giới, biển đảo.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng:
Trong 20 năm qua, BĐBP thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực làm tròn trách nhiệm là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu cảng biển, góp phần cùng nhân dân thành phố hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Để phát huy vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của BĐBP trong tình hình mới, UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị sớm xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho BĐBP và các cơ quan chức năng làm tốt công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong các văn bản pháp luật có liên quan, cần phải thống nhất xác định, tại các cửa khẩu biên giới đất liền, cảng biển, BĐBP là lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, đăng ký xuất nhập cảnh vùng biên giới và chủ trì bảo đảm an ninh trật tự. Quy định thống nhất giao cho BĐBP là lực lượng chuyên trách, chủ trì trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, hải đảo, các vùng biển trong phạm vi từ lãnh hải trở vào hết địa giới hành chính của xã (phường) biên giới biển.

Trung tướng Nguyễn Kim Quy, Cục trưởng Cục An ninh Đối ngoại, Bộ Công an:
Để chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với Biên phòng cần tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương; sự giúp đỡ, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các lực lượng chức năng ở địa phương, đặc biệt là của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cần phối hợp tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10-10-2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, kiểm soát xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu; nghiên cứu, xây dựng hệ thống dữ liệu chung về thông tin xuất, nhập cảnh, tạo thuận lợi trong việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý thông tin, tình hình xuất, nhập cảnh; phối hợp quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài, nhất là ở khu vực biên giới; kịp thời trao đổi các thông tin liên quan đến hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh theo quy định. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại; triển khai quyết liệt, có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm trên tuyến biên giới; xây dựng các phương án, kế hoạch giải quyết các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm ma túy.
Trần Đức – Nguyễn Bích (Thực hiện)