Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:30 GMT+7

Tạo đột phá trong phát triển kinh tế cửa khẩu

Biên phòng - Lào Cai có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu phụ và 7 lối mở biên giới. Địa phương này là “cầu nối” quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của các tỉnh, thành phố trong cả nước sang thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng của tỉnh Vân Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc. Hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh phát triển của cả nước, Lào Cai tiếp tục xác định phát triển kinh tế cửa khẩu (KTCK) là một lĩnh vực đột phá trong giai đoạn 2021-2025.

Hàng hóa xuất nhập khẩu được thông quan thuận tiện qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai. Ảnh: Thành Chung

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh

Xét về mặt địa lý, tỉnh biên giới Lào Cai có vị trí thuận lợi, là cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, là trung tâm trung chuyển hàng hóa của Việt Nam và các nước trong khu vực ASSEAN với vùng Tây Nam của Trung Quốc rộng lớn (với gần 300 triệu người).

Lào Cai đặc biệt có lợi thế trong phát triển KTCK với hệ thống cửa khẩu đa dạng, nhiều lối mở và tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ qua biên giới... Điều đặc biệt, cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) là cặp cửa khẩu duy nhất có đủ các loại hình vận tải: Đường sắt, đường bộ cao tốc, đường thủy và tương lai gần là đường hàng không đã tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, giao thương thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN.

Nhờ vị trí đắc địa, giai đoạn 2016-2020, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) qua cửa khẩu Lào Cai là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai. Giá trị XNK có sự tăng trưởng mạnh và ổn định với mức tăng trưởng bình quân đạt gần 16,5%. Năm 2016, tổng kim ngạch XNK qua cửa khẩu Lào Cai đạt hơn 2 tỷ USD, năm 2017 tăng lên hơn 2,6 tỷ USD và đến năm 2020 đạt mức hơn 3,2 tỷ USD. Thu ngân sách từ hoạt động cửa khẩu trong giai đoạn 2016-2020 đạt trên 11.000 tỷ đồng. Tổng thu nộp ngân sách qua địa bàn cửa khẩu chiếm gần 30% thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, nhưng giá trị thương mại XNK, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai ước đạt hơn 3 tỷ USD trong 10 tháng qua (tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2020).

Một điều đáng ghi nhận nữa là hoạt động XNK qua địa bàn tỉnh Lào Cai đã phát triển theo đúng định hướng, trong đó, tỷ trọng hàng hóa thông quan qua khu vực cửa khẩu quốc tế tăng dần đều và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong những năm gần đây (năm 2018 đạt 84%, năm 2019 đạt 82%, năm 2020 đạt 98%, trong khi đó, giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt khoảng trên dưới 50%).

Không chỉ gia tăng về giá trị kim ngạch thương mại, hoạt động xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu Lào Cai cũng ngày càng sôi động, góp phần quan trọng trong phát triển dịch vụ, du lịch của địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại và thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc. Tính đến hết năm 2020, Khu KTCK Lào Cai thu hút được 240 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 16.000 tỷ đồng.

Hướng đến mục tiêu 10 tỉ USD vào năm 2025

Với những lợi ích và hiệu quả trên thực tế, Khu KTCK Lào Cai tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ quyết định lựa chọn là một trong 8 khu KTCK được tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Nhìn nhận từ thực tế có thể thấy, để phát triển KTCK hiệu quả, cần có cơ sở hạ tầng phát triển, hoàn thiện hệ thống thương mại điện tử qua biên giới, xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới... Nhận rõ điều này, UBND Lào Cai đang tiếp tục xin chủ trương và kêu gọi đầu tư nâng cấp đường cao tốc, đường sắt, đầu tư cầu biên giới và các cơ sở hạ tầng khác của cửa khẩu phục vụ hoạt động thương mại, logistics như: Triển khai dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội; nghiên cứu Dự án đoạn đường sắt tiêu chuẩn nối ga Lào Cai với ga Sơn Yêu (Hà Khẩu, Trung Quốc); dự án xây dựng sân bay Sa Pa; dự án cải tạo, chỉnh trị sông Hồng trong khuôn khổ Hiệp định về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và người qua lại biên giới các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS).

Tháng 8-2021, UBND tỉnh Lào Cai đã triển khai Đề án phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 để tăng cường năng lực cạnh tranh và phụ trợ cho phát triển KTCK. Mục tiêu hướng đến là hình thành các trung tâm logistics hạng I, hạng II và trung tâm logistics cấp tỉnh. Tăng cường kết nối với mạng lưới logistics của cả nước, các nước ASEAN và Trung Quốc.

Theo đề án, tỉnh Lào Cai cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống các kho, bãi lưu giữ hàng hóa thông thường và các kho chuyên dụng trong phạm vi Khu KTCK Lào Cai, tại các cửa khẩu, điểm thông quan hàng hóa XNK nhằm đáp ứng nhu cầu lưu giữ đa dạng các loại hàng hóa.

Trước đó, tháng 12-2020, Tỉnh ủy Lào Cai triển khai Đề án phát triển dịch vụ, KTCK Lào Cai giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu tổng quát phát triển dịch vụ, KTCK là đột phá, tạo ra nhiều việc làm, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong đó, phát triển mạnh dịch vụ chất lượng cao, chú trọng dịch vụ đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nhanh tăng trưởng kim ngạch XNK, phát triển thương mại theo hướng hiện đại.

Với đề án trên, tỉnh Lào Cai hướng tới đích năm 2025, lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 44,5% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tổng giá trị XNK hàng hóa qua địa bàn đạt 10 tỷ USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 16,8%. Tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt 8-10%. Tỉnh Lào Cai phấn đấu thanh toán XNK hàng hóa, dịch vụ qua ngân hàng chiếm trên 60% tổng giá trị thanh toán XNK trên địa bàn. Dịch vụ tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh đến năm 2025 chiếm từ 40-50% giá trị hàng hóa XNK qua biên giới tỉnh Lào Cai, duy trì tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm.

Cũng trong năm 2020, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Đề án số 08 về phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025, trong đó nhấn mạnh đến mục tiêu chuyển đổi số hệ thống các cửa khẩu, hoạt động XNK, xuất nhập cảnh, KTCK, khu công nghiệp; phát triển cửa khẩu quốc tế Lào Cai thành mô hình đô thị thông minh, mở rộng giao thương qua kết nối số, chuyển đổi số.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO