Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:23 GMT+7

Tạo đột phá hạ tầng giao thông

Biên phòng - Năm 2022, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn cao chưa từng có, lên đến hơn 50.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong 113.500 tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2 năm tới cũng dành nguồn lực lớn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam đang ngày càng phát triển. Ảnh: minh họa

Trong năm 2022, Bộ GTVT dự kiến khởi công 38 dự án, hoàn thành 30 dự án và dồn lực giải ngân, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia, như: hoàn thành 5.000km đường bộ cao tốc; phát triển 2 cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế; khởi công một số gói thầu thuộc Dự án đường sắt tốc độ cao; hoàn thành Dự án sân bay Long Thành...

Trước một khối lượng công việc khổng lồ với không ít thách thức, khó khăn đang chờ phía trước, thách thức lớn cho các mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn tiếp theo chính là nguồn vốn, khi nhiều dự án đang trong tình trạng không có tiền để triển khai. Chỉ riêng tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông sơ bộ tổng mức đầu tư đã gần 147.000 tỷ đồng; tổng nhu cầu vốn của Dự án đường sắt tốc độ cao cho giai đoạn 2021-2030 cần tới 112.325 tỷ đồng...

Bộ GTVT xác định, huy động sự tham gia của nhân dân để phát triển hạ tầng giao thông là một trong những giải pháp then chốt trong thời gian tới. Theo đó, Bộ GTVT chủ trương đa dạng hóa, huy động mọi nguồn lực, trong đó có vốn trong nhân dân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong bối cảnh nhu cầu đầu tư lớn, ngân sách Nhà nước hạn chế.

Các chuyên gia cho rằng, thời gian qua, việc thu hút vốn xã hội hóa cho hạ tầng giao thông đã có những thời điểm bị chững lại. Mô hình các công ty tư nhân bỏ vốn xây dựng thông qua đấu thầu, sau đó khai thác vận hành một thời gian và chuyển giao lại cho Nhà nước (BOT) trước đây đã bộc lộ những hạn chế, rủi ro về tài chính và không được người dân thiện chí.

Thế nên, bài toán huy động nguồn lực xã hội thông qua phương thức đối tác công tư (PPP) là một trong những giải pháp chúng ta có thể kích hoạt. Để xóa những định kiến về BOT đang làm nản lòng các nhà đầu tư thực sự có tiềm lực, Việt Nam đứng trước thách thức phải loại bỏ những “rào cản”, “nút thắt” để phương thức PPP thực sự hấp dẫn, trong đó có thể chế, thị trường vốn, sự bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư...

Theo đó, Chính phủ cần ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực xã hội cũng như nguồn lực Nhà nước cho mục tiêu hoàn thành khối lượng lớn về đường cao tốc trong thời gian ngắn. Đơn cử, không nên áp dụng cứng nhắc tỷ lệ vốn góp của Nhà nước như Luật PPP hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia lưu ý, hiện nay, chúng ta mới đang quan tâm tới việc nhanh chóng đưa công trình vào sử dụng mà chưa chú trọng đưa công nghệ mới vào thi công. Những công nghệ mới trong xây dựng sẽ góp phần rút ngắn tiến độ, nâng cao năng lượng và giảm giá thành công trình. Nếu không cập nhật và ứng dụng công nghệ mới trong mỗi công trình thì phát triển hạ tầng sẽ bị thụt lùi trong thời đại công nghệ 4.0 cùng những hệ lụy về môi trường sinh thái.

Rõ ràng, để đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm hoàn thành các dự án trọng điểm theo đúng kế hoạch, ngành GTVT cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án về tiến độ thực hiện, giải ngân; xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình; chấn chỉnh, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO