Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 07/06/2023 03:32 GMT+7

Tạo động lực mạnh mẽ giúp phụ nữ nơi biên giới vươn lên

Biên phòng - Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được Bộ Tư lệnh BĐBP và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp thực hiện từ tháng 3-2018. Trải qua 3 năm (2018-2020), Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã tạo động lực mạnh mẽ để phụ nữ ở khu vực biên giới phát huy nội lực, vượt qua rào cản, phát triển bản thân và kinh tế gia đình. Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930-20/10/2020), phóng viên Báo Biên phòng đã phỏng vấn đồng chí Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam để làm rõ hơn vấn đề này.

Đồng chí Bùi Thị Hòa. Ảnh: Minh Hương

- Đề nghị đồng chí cho biết, qua 3 năm thực hiện, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã đạt được những kết quả nổi bật như thế nào?

- Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 hướng tới huy động các nguồn lực xã hội, hỗ trợ các xã biên giới thực hiện một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới; xây dựng tổ chức Hội; chăm lo cho đời sống của hội viên, phụ nữ ở khu vực biên giới; giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Sau 3 năm triển khai, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã lan tỏa sâu rộng trong tổ chức Hội LHPN và cả hệ thống chính trị. Tính đến tháng 8-2020, đã có gần 100 đơn vị, cá nhân nhận hỗ trợ các xã biên giới thuộc chương trình; 155 xã biên giới khó khăn được nhận hỗ trợ (vượt 65 xã so với kế hoạch).

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay, có khoảng 115 tỉ đồng được huy động để thực hiện chương trình này. Chương trình đã hỗ trợ gần 10.000 con giống; gần 4 tỉ đồng vốn vay; xây dựng gần 1.000 công trình dân sinh; tặng gần 300 căn nhà “Mái ấm tình thương”; trao hơn 70.000 suất quà, 7.000 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; tổ chức gần 500 lớp tập huấn, truyền thông nâng cao năng lực cho phụ nữ; vận động qua Cổng thông tin nhân đạo 1400 gần 4 tỷ đồng để hỗ trợ mô hình sinh kế tại 39 xã thuộc chương trình...

- Những kết quả đó đã tạo sự thay đổi như thế nào trong đời sống của phụ nữ ở khu vực biên giới, thưa đồng chí?

- Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã trở thành điểm tựa, tạo động lực để phụ nữ ở khu vực biên giới tự tin, vươn lên trong cuộc sống, xóa mù chữ, phát triển kinh tế, phòng, chống mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình, ma túy, tội phạm... Đặc biệt, phụ nữ khu vực biên giới ngày càng tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

- Để có được thành công như trên, Hội LHPN các cấp và các đơn vị BĐBP đã phối hợp thực hiện như thế nào?

- Để đạt được những thành công như đã kể trên, Hội LHPN các cấp và BĐBP đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và phát huy được sức mạnh tổng hợp trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện. Trong công tác chỉ đạo, 2 ngành đã ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện và đã có những văn bản triển khai, hướng dẫn nội bộ. Tại cơ sở, Hội LHPN các cấp và các đơn vị BĐBP đã triển khai các hoạt động phối hợp tại các tỉnh biên giới và các tỉnh, thành phố, đơn vị nhận giúp đỡ tổ chức thực hiện chương trình; tổ chức tuyên truyền sâu rộng, huy động, hỗ trợ nguồn lực để giúp đỡ cán bộ, hội viên phụ nữ; nghiên cứu, xây dựng thí điểm các hoạt động, mô hình phối hợp tại một số tỉnh, thành phố điểm trước khi nhân rộng...

- Thưa đồng chí, để tiếp tục hỗ trợ phụ nữ ở khu vực biên giới ngày càng hiệu quả hơn, trong thời gian tới, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” sẽ có những hoạt động nào?

- Để chương trình ngày càng lan tỏa và bền vững thì các hoạt động và chỉ đạo cần được nâng tầm bằng cách làm sáng tạo, thiết thực, tập trung vào vấn đề cấp thiết của phụ nữ, trẻ em, tổ chức Hội LHPN như: Đề xuất lồng ghép mục tiêu chương trình, sự tham gia, thụ hưởng của phụ nữ trong các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030; đảm bảo triển khai hiệu quả nguồn lực Nhà nước cho các chính sách, hoạt động, phần việc, mô hình sinh kế bền vững, chăm sóc sức khỏe và nâng cao nhận thức cho phụ nữ; xây dựng tổ chức Hội LHPN vùng biên giới, miền núi vững mạnh, cùng với BĐBP xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh...

- Dự án Luật Biên phòng Việt Nam dự kiến được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới có xác định các “nhiệm vụ công tác biên phòng”, trong đó có nội dung: “Tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sắp xếp, ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh”. Theo đồng chí, điều này có ý nghĩa và tác động như thế nào đến sự phát triển của phụ nữ ở khu vực biên giới?

- Với mục tiêu phát triển bình đẳng, đồng đều ở tất cả các vùng miền và nhóm xã hội, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh các chính sách hướng tới địa bàn DTTS, miền núi, biên giới. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng cách giới đối với phụ nữ DTTS, vùng biên trong thụ hưởng thành quả phát triển.

Cán bộ BĐBP An Giang hướng dẫn phụ nữ ở khu vực biên giới về kỹ thuật trồng lúa. Ảnh: Hồ Phúc

Trong bối cảnh đó, với nội dung như trên liên quan tới “nhiệm vụ công tác biên phòng” được xác định trong Dự án Luật Biên phòng Việt Nam có thể coi là một trong những giải pháp quan trọng, có ý nghĩa to lớn, tạo cơ chế để tổ chức Hội LHPN và phụ nữ DTTS ở khu vực biên giới có cơ hội trong tiếp cận, tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở... Qua đó, giúp phụ nữ DTTS nâng cao vị thế của mình; giảm khoảng cách giới trong tham gia vào hệ thống chính quyền và trong phát triển cộng đồng. Ngoài ra, quy định trên còn mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ DTTS ở khu vực biên giới được tiếp cận về sinh kế, sử dụng các dịch vụ xã hội, cơ sở hạ tầng..., góp phần ổn định, nâng cao đời sống gắn với việc xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh vùng biên vững mạnh.

Đặc biệt, BĐBP với thế mạnh và vai trò quan trọng, là lực lượng chủ lực trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, lại có mối quan hệ phối hợp hiệu quả với Hội LHPN các cấp..., quy định nói trên sẽ tạo nền tảng pháp lý để hai tổ chức nâng tầm vị thế và phối hợp hiệu quả, thực chất trong giai đoạn mới.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thùy Trang (thực hiện)

Bình luận

ZALO