Biên phòng - Ngày 18-11, tại Hà Nội, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam tổ chức khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội VHNT các DTTS Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ (2019-2024). Ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo đại hội.
Dự đại hội có 518 đại biểu, trong đó có 385 đại biểu DTTS đến từ 40 tổ chức cơ sở hội và chi hội của 40 tỉnh thành trong cả nước. Hiện nay, Hội VHNT các DTTS Việt Nam có hơn 1.000 hội viên với các chuyên ngành: Văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật, sân khấu - điện ảnh, nhiếp ảnh, lý luận phê bình, văn nghệ dân gian. Cán bộ quản lý văn hóa dân tộc gồm nhiều thành phần dân tộc: Tày, Nùng, Thái, Mông, Lô Lô, Phù Lá, Pa Dí, Bố Y, La Chí, Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Raglay, Hrê, M’nông, Xtiêng, Xơ Đăng, Bru - Vân Kiều, Cơ Tu, Cơ Ho, Chơ Ro… Nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã thành lập thêm 8 chi hội, kết nạp thêm 135 hội viên thuộc các chuyên ngành và các thành phần dân tộc khác nhau.
Phát biểu khai mạc đại hội, ông Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội VHNT các DTTS Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2019-2024, được tổ chức nhằm đánh giá những thành tựu cũng như những mặt còn tồn tại, thách thức của văn hóa nghệ thuật DTTS những năm qua, đồng thời định hướng, giải pháp khắc phục, đề xuất phương hướng trong thời kỳ tới.
Báo cáo tổng kết tại đại hội nêu rõ, sau Đại hội lần thứ V, Hội đã hướng các hoạt động về địa bàn là các vùng miền núi và đồng bào DTTS, tổ chức một số hội thảo về xây dựng phát triển Hội, tổ chức các đợt đi thực tế và sáng tác tại các vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số thuộc các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ… nhằm cổ vũ, tạo điều kiện cho các văn nghệ sỹ phát huy khả năng sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm có giá trị.
Đề tài sáng tác được đề cập ở nhiều góc độ, từ truyền thống đấu tranh cách mạng và kháng chiến đến sự đổi thay của quê hương, đề cao truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc…
Hội đã đặc biệt chú ý nhiệm vụ bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các DTTS, được thực hiện đồng thời với nhiệm vụ sáng tạo những giá trị mới về văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc.
Tuy nhiên, đội ngũ văn nghệ sỹ DTTS giữa các vùng miền, các dân tộc còn có sự chênh lệch khá lớn; văn học nghệ thuật thiểu số tuy phát triển mạnh nhưng ít tác phẩm có nội dung tư tưởng và nghệ thuật cao để lôi cuốn, hấp dẫn đông đảo độc giả và khán giả vùng đồng bào DTTS cũng như cả nước; chưa có nhiều tác phẩm hay về đề tài đổi mới ở miền núi và vùng DTTS...
Trong nhiệm kỳ mới 2019-2024, Hội VHNT các DTTS Việt Nam xác định tiếp tục trở thành mái nhà chung cho các tác giả là người DTTS; động viên các văn nghệ sỹ sáng tác nhiều tác phẩm chất lượng; tiếp tục đầu tư và tổ chức điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật các DTTS…
Đại hội cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu về hoạt động của Hội, các giải pháp khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong nhiệm kỳ tới.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những kết quả của Hội VHNT các DTTS Việt Nam, của toàn thể hội viên, các văn nghệ sĩ, nghệ nhân lĩnh vực văn hóa, văn nghệ dân tộc ít người nhiệm kỳ vừa qua. Những kết quả kết sức đáng trân trọng đó đã góp phần thiết thực và hiệu quả vào xây dựng, phát triển văn hóa, văn nghệ và con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, những thành tựu giá trị và bản sắc độc đáo của văn hóa 54 dân tộc anh em không chỉ làm cho văn hóa Việt Nam đậm sắc màu phong phú, mà còn góp phần củng cố sự thống nhất ý chí, tinh thần, tình cảm, tạo nên sức mạnh nội sinh bền vững của khối đại đoàn kết dân tộc, giúp nền văn hóa Việt Nam không ngừng phát triển thống nhất trong đa dạng, tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiệm kỳ tới, một trong những nhiệm vụ vừa có tính chiến lược, vừa cấp bách của Hội là xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ sáng tác, biểu diễn, sưu tầm, nghiên cứu, lý luận, phê bình cả về số lượng và chất lượng, vững vàng và tài năng, am hiểu sâu sắc văn hóa của dân tộc mình, gắn bó mật thiết với quê hương, nỗ lực sáng tạo ra nhiều tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật và hấp dẫn với quần chúng.
Cùng với đó, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, phát huy mạnh mẽ vai trò của các chi hội tỉnh, thành phố, các chuyên ngành, lĩnh vực, tăng cường sự phối hợp thường xuyên và có hiệu quả với các hội chuyên ngành và với các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương... góp phần vào sự nghiệp xây dựng văn hóa, văn học nghệ thuật các DTTS.
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội VHNT các DTTS Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2019-2024 sẽ diễn ra đến hết ngày 19-11.
Thanh Thuận