Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:54 GMT+7

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam:

Tạo điều kiện thông thoáng cho công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh

Biên phòng - Chiều 28-5, Quốc hội làm việc tại hội trường. Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và thảo luận ở tổ dự án Luật này.

abgkn698yr-14815_f_jw7xcpm80_a1
Đại biểu Bùi Đức Hạnh. Ảnh: Danh Anh

Theo Đại tướng Tô Lâm, trong thời gian vừa qua, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật có nội dung liên quan đến hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân như: Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Quốc tịch, Luật Căn cước công dân, Luật Cư trú, Luật Xử lý vi phạm hành chính…

Để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và triển khai Đề án sản xuất, phát hành hộ chiếu có gắn chip điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, rất cần thiết ban hành dự án Luật.

“Dự án Luật có 6 Chương, 40 Điều quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch về trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; các trường hợp hạn chế quyền công dân trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh. Đồng thời, tạo thuận lợi hơn cho công dân trong hoạt động xuất nhập cảnh và tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh” - Đại tướng Tô Lâm cho biết.

Thảo luận tại tổ, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó Tư lệnh BĐBP, đại biểu Thừa Thiên Huế cho rằng, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam tạo điều kiện thông thoáng cho công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh; tạo cơ sở pháp lý áp dụng công nghệ phương tiện quản lý chặt chẽ công tác xuất, nhập đảm bảo an ninh quốc gia. Thực tế những năm qua, nhiều đối tượng lợi dụng việc xuất cảnh ra nước ngoài làm phương hại đến an ninh quốc gia hoặc đối tượng phạm tội dễ dàng trốn ra nước ngoài. Vì vậy, việc ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là hết sức cần thiết.

kiw7ms1g6t-14815_f_jw7xcpmj1_a2
Đại biểu Nguyễn Văn Hiền. Ảnh: Danh Anh

Chương 3, quy định về hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao, theo Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao có vị trí hết sức quan trọng, càng quy định chi tiết, càng hạn chế tiêu cực. Những đối tượng được cấp cần quy định cụ thể rõ ràng, minh bạch, tránh lợi dụng có những tiêu cực trong việc cấp loại hộ chiếu này.

Về quy định điều kiện nhập cảnh theo Điều 26, người nhập cảnh phải có giấy tờ nguyên vẹn, đang còn giá trị sử dụng. Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh cho rằng, trong thực tế cuộc sống có nhiều trường hợp đi xuất khẩu lao động, do một số lý do, người lao động trốn ra làm việc tự do và không còn giấy tờ. Khi muốn quay về chúng ta phải tiếp nhận công dân, nếu quy định như Điều 26 thì công dân rơi vào những trường hợp này không thể quay về nước. Do đó, nên để Chính phủ có quy định cụ thể, chi tiết điều này, nhằm giải quyết những trường hợp cụ thể.

Các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, theo Điều 28, khoản 1, bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, có đủ yếu tố tình nghi người đó phạm tội, thì xem xét tạm hoãn xuất cảnh. Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiền (Lâm Đồng), quy định này cần được chặt chẽ tránh những trường hợp như Trịnh Xuân Thanh, hay mới nhất vụ ông chủ doanh nghiệp Nhật Cường, sau khi phạm tội đã bỏ trốn ra nước ngoài. Những trường hợp này chưa bị khởi tố vụ án, chưa bị bắt, chưa bị tạm giữ, không có đơn tố giác…, nhưng là vụ án nghiêm trong, gây bức xúc trong nhân dân.

Danh Anh

Bình luận

ZALO