Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 24/09/2023 10:56 GMT+7

Tạo cơ hội cho người dân miền núi - dân tộc tiếp cận các dịch vụ phòng, chống, điều trị HIV/AIDS

Biên phòng - Hàng năm, Việt Nam có gần 2 triệu phụ nữ mang thai và tỷ lệ hiện mắc HIV/AIDS vào khoảng 0,25%. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con ước tính 30-40% nếu không có sự can thiệp. Do đó, mỗi năm ước tính có từ 1.500-2.000 trẻ em bị nhiễm HIV được sinh ra. Việt Nam đang triển khai mở các dịch vụ đến các cộng đồng dân cư, nhằm tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con như: Thông tin, giáo dục, truyền thông, tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện, cung cấp thuốc ARV và các dịch vụ chăm sóc, điều trị liên quan đến HIV/AIDS... Tuy nhiên, còn nhiều thách thức trong việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến HIV trong các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là đối với người dân sinh sống tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Kết quả khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu dân số và sức khỏe nông thôn về tiếp cận dịch vụ chăm sóc, điều trị, hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em bị nhiễm HIV trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở 3 tỉnh Điện Biên, Kon Tum, An Giang cho thấy, phụ nữ dân tộc thiểu số nhận thức rất hạn chế về lây nhiễm HIV từ mẹ sang con do thiếu thông tin về HIV/AIDS. Các yếu tố như: Tỷ lệ hộ nghèo cao, bất đồng ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa, trình độ văn hóa thấp... làm hạn chế việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc, điều trị liên quan đến HIV/AIDS cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số bị nhiễm HIV/AIDS. Do vậy, nhiều trường hợp người nhiễm HIV ở vùng miền núi – dân tộc bỏ điều trị hoặc không thể theo dõi được.

Các thông tin về trẻ em ở khu vực này bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS còn rất hạn chế. Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV dương tính tăng nhanh ở các tỉnh miền núi như Điện Biên (2%), Thái Nguyên (2,38%). Tuy nhiên, cho đến nay, số liệu chính xác về số trẻ em bị nhiễm HIV ở Việt Nam chưa được thống kê đầy đủ, đặc biệt là vùng miền núi - dân tộc do thiếu các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS như tư vấn, xét nghiệm, cũng như chăm sóc, điều trị. Thậm chí, chưa tới 1/5 số người nhiễm HIV ở khu vực này biết về lợi ích của thuốc ARV trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con...

Thiếu thông tin cũng chính là nguyên nhân khiến Điện Biên tuy là tỉnh thứ 61 trong toàn quốc phát hiện 6 ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1998, nhưng đến nay đã đứng thứ hai toàn quốc (sau TP. Hồ Chí Minh) về tỷ lệ người nhiễm HIV/100.000 người dân. Đến cuối năm 2010, Điện Biên phát hiện trên 4.000 người nhiễm HIV, trong đó hơn 1.500 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, 63 trẻ dưới 15 tuổi nhiễm HIV từ mẹ. 75% ca nhiễm HIV là người dân tộc thiểu số. Tiến sĩ Trịnh Hữu Vách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số và sức khỏe nông thôn cho biết: Hầu hết phụ nữ lây nhiễm HIV từ chồng và lây truyền cho con của họ. Trên thực tế, nhiều phụ nữ vẫn còn chưa tiếp cận được với thông tin đại chúng và thường không sử dụng các biện pháp tình dục an toàn.

Tại An Giang, nơi có gần 7.000 người nhiễm HIV, việc lan truyền HIV trong cộng đồng phần lớn qua quan hệ tình dục với gái mại dâm đã từng làm việc tại Cam-pu-chia. 70% phụ nữ nhiễm HIV bị lây nhiễm từ chồng. Tuy nhiên, hầu hết các đối tượng này không tự giác tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, điều trị và dự phòng. Đây thực sự là một thách thức đối với chương trình phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con của tỉnh An Giang.

Thực tế trên cho thấy, “Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020” đã được Chính phủ phê duyệt nhưng trên thực tế việc triển khai chương trình này tại các cấp còn rất hạn chế. Nhiều địa phương còn trông chờ vào nguồn kinh phí viện trợ từ nước ngoài nên các hoạt động liên quan đến trẻ em và HIV/AIDS còn mang tính phong trào, chưa có tính lan tỏa, hiệu ứng đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Như tại tỉnh Kon Tum, tất cả các hoạt động chăm sóc, điều trị mới dựa trên ngân sách hạn hẹp từ chương trình mục tiêu quốc gia, nên đến nay, mới có 35 bệnh nhân HIV/AIDS được quản lý, chăm sóc trong cộng đồng và 24 người tại các cơ sở y tế, trên tổng số 230 trường hợp phát nhiễm HIV. Việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ HIV/AIDS của người dân tộc thiểu số cũng chưa được coi là một ưu tiên trong các văn bản, chính sách, mới được đề cập rất giới hạn trong các nghiên cứu hoặc cấp dự án.

Ngay tại An Giang và Điện Biên - các địa phương nhận được nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế, có thể thiết lập các chính sách nhằm đạt mục tiêu: 80% phụ nữ có thai nhiễm HIV và 95% con của các bà mẹ nhiễm HIV nhận gói dịch vụ “Dự phòng lây truyền mẹ con” và “Theo dõi chăm sóc sau sinh”. Tuy nhiên, cơ sở y tế, các trang thiết bị cho xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV ở vùng miền núi còn rất nghèo nàn. Cho dù có đầu tư nhất định, 2 địa phương trên cũng mới chỉ tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nói chung, mà chưa quan tâm một cách cụ thể đến nhóm đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh An Giang xác định, trên địa bàn có khoảng 4.000 gái mại dâm và 1.000 người nghiện ma túy, nhưng không có thông tin số liệu về người dân tộc thiểu số trong nhóm đối tượng này.

Theo Tiến sĩ Trịnh Hữu Vách, nhằm bảo đảm tính công bằng và bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ HIV/AIDS đối với vùng miền núi - dân tộc, Bộ Y tế cần đưa các chỉ số HIV/AIDS trong nhóm dân tộc thiểu số vào khung giám sát và đánh giá ở cấp quốc gia cũng như các cấp địa phương nhằm cung cấp các dữ liệu có giá trị và đáng tin cậy để đưa ra các ưu tiên can thiệp. Vấn đề tiếp cận công bằng các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS cho người dân tộc thiểu số cần được xây dựng và đưa vào các hạng mục rõ ràng, cụ thể. Các vấn đề HIV/AIDS liên quan đến người dân tộc thiểu số cần được đưa vào chương trình nghị sự của nhóm công tác HIV, nhằm mở ra các diễn đàn trong cộng đồng các nhà tài trợ đối với các khu vực còn nhiều khó khăn trong phòng, chống HIV/AIDS.

HL

Bình luận

ZALO