Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:44 GMT+7

Tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng chưa bền vững

Biên phòng - Sáng 22-5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018.

5b03c3e27a76df2c34000104
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: V.H

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, với nổ lực của cả hệ thống chính trị, cùng với quyết tâm của Chính phủ trong đổi mới cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã đưa nền kinh tế - xã hội đất nước phát triển vượt bậc được các tổ chức kinh tế quốc tế đánh giá cao. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, quý I GDP đạt 7,3%. Theo dự báo của các tổ chức tài chính thế giới, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 sẽ đạt 6,8 đến 7,0%.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh): “Kinh tế đất nước tăng trưởng đồng đều trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... Hoàn thành mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 5%, dự trữ ngoại hối tăng trên 63 tỷ USD. Bội chi ngân sách được kiểm soát rất tốt, giảm được 4 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, quy mô xếp hạng của nền kinh tế Việt Nam năm 2016 là 48/190 quốc gia, năm 2017 xếp ở hạng 46/190 với GDP 220 tỷ USD, chỉ số cạnh tranh toàn cầu, chỉ số cải thiện môi trường đầu tư đều tăng lên rất nhiều” – Đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích.

Tuy nhiên, các đại biểu lo lắng vì tăng trưởng của nền kinh tế dựa rất lớn vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký trên 310 tỷ USD, giải ngân 172 tỷ USD, tương đương 78% GDP và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế 20%, kim ngạch xuất khẩu chiếm 72%... Điều này thể hiện nền kinh tế đất nước thiếu bền vững, nhạy cảm với những biến động về kinh tế - chính trị thế giới. “Chính phủ cần có chính sách phát huy nội lực trong nước, tạo cơ chế, chính sách phát triển các doanh nghiệp trong nước để kiểm soát độ mở của nền kinh tế. Đồng thời, có sự định hướng chiến lược trong thu hút vốn FDI, kiếm soát chặt chẽ vần đề môi trường trong các dự án FDI”. – Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Theo đại biểu Trương Quang Nghĩa (TP Đà Nẵng), tín hiệu đáng mừng của năm 2017 là xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp tăng, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân. Tiếp tục phát huy lợi thế, Chính phủ phải có chiến lược dài hạn đầu tư cho phát triển nền nông nghiệp, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tăng năng suất lao động vùng nông thôn. Đầu tư giảm chi phí vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch, ứng dung công nghệ cao sản xuất sản phẩm nông nghiệp sách, đủ sức cạnh tranh với các nước trên thế giới và trong khu vực.

wvzxbu6943-76296_1663715687638752084_a2
Đại biểu Trương Quang Nghĩa nêu ý kiến. Ảnh: V.H

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, trong năm qua, quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại phát triển, xây dựng được môi trường hòa bình, ổn định, phát triển tạo niềm tin cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhân dân yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Chính phủ đã có nhiều cố gắng chăm lo đến đời sống cho người có công, gia đình chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, an ninh trật tự, an toàn xã hội còn đặt ra nhiều vấn đề cần Chính phủ quan tâm. “Nhân dân ăn đã no, mặc đã ấm, nhưng ngủ vẫn chưa yên, vì trong thời gian qua xảy ra quá nhiều vụ việc mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông... Vì vậy, Chính phủ cần có những biện pháp trấn áp tội phạm, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân… để xây dựng một xã hội an toàn hơn” – Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Giải ngân vốn xây dựng cơ bản năm nay tiếp tục chậm, phân bổ vốn, giao vốn còn bất cập. Công trình sử dụng vốn vay ODA đã được phê duyệt, địa phương đã bố trí vốn đối ứng, nhưng chưa được bố trí trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn. Điều này dẫn đến vừa phải trả phí cam kết vay nợ vừa chậm tiến độ dự án, đội vốn...

Đồng quan điểm này, đại biểu Trương Quang Nghĩa cho biết, giải ngân vốn đầu tư quá chậm, dẫn đến các dự án trọng điểm quốc gia, như dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam... có nguy cơ chậm tiến độ, ảnh hưởng rất lớn đến các kế hoạch Quốc hội giao. Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, tránh tình trạng cứ xin ngân sách rồi bị “đóng băng”, dự án chậm triển khai, hoàn thiện, gây lãng phí ngân sách.

Viết Hà

Bình luận

ZALO