Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:42 GMT+7

Tăng thuế rượu, bia, thuốc lá

Biên phòng - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Trong đó, đề xuất tăng thuế suất TTĐB đối với một số hàng hóa có hại cho sức khỏe như thuốc lá, bia, rượu, đồng thời điều chỉnh thuế TTĐB với một số mặt hàng thân thiện với môi trường.

Giải trình về đề xuất tăng thuế, Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2016-2019, thuế TTĐB đã tăng theo lộ trình nhưng thuế và giá thuốc lá, rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp, khiến cho lượng tiêu thụ thuốc lá, rượu, bia ngày càng tăng cao.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, tỷ lệ hút thuốc lá ở nước ta vẫn giữ mức cao thứ 3 châu Á khi còn 42,3% nam giới hút thuốc. Một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng thuốc lá do giá thuốc lá rẻ vì tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85%. Trong khi tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ của Singapore là 69%, Thái Lan (70%), Pháp (80%)...

Tương tự, việc sử dụng bia, rượu ở nước ta vẫn ở mức cao. Hằng năm, lượng bia tiêu thụ bình quân một người là 47,6 lít; rượu mạnh và rượu trắng là 3,4 lít. Xu hướng lạm dụng bia, rượu tăng nhanh khi thuế mặt hàng này ở Việt Nam còn ở mức thấp, chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước, tỷ lệ thuế chiếm 40-85%.

WHO khuyến nghị, tăng thuế tiêu dùng trên giá bán lẻ sản phẩm có hại cho sức khỏe và môi trường sẽ có hiệu quả với công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, bia, rượu. Đơn cử, giá thuốc lá tăng 10% sẽ góp phần giảm số người sử dụng thuốc lá khoảng 10%, thậm chí cao hơn ở nhóm trẻ tuổi. Qua đó, bảo vệ sức khỏe người dân khỏi các nguy cơ tử vong và bệnh tật do sử dụng thuốc lá thông qua thúc đẩy bỏ thuốc, ngăn chặn hút mới, giảm số điếu hút…

Ngoài ra, dự án luật sửa đổi đánh thuế bổ sung đối với các sản phẩm có hại cho sức khỏe như đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, thuốc lá dạng mới, kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng internet…

Đồng tình với quan điểm trên, nhiều chuyên gia cho rằng, thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế sử dụng đối với những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe và môi trường (trong đó có việc tăng thuế) là cần thiết, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, góp phần định hướng sản xuất và giảm hành vi tiêu dùng, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, ý kiến phản biện cho rằng chưa nên tăng “sốc” thuế TTĐB. Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam kiến nghị, năm 2023, ngành đồ uống tiếp tục gặp nhiều thách thức do hậu quả đại dịch và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nên mong muốn Nhà nước ổn định các chính sách thuế, lùi thời gian tăng thuế TTĐB sau 1-1,5 năm nữa để các doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn.

Mặt khác, có ý kiến quan ngại, tăng thuế TTĐB thuốc lá, rượu, bia có thể dẫn đến nguy cơ tăng cao hành vi nhập lậu những mặt hàng này, nhất là với thuốc lá. Không loại trừ tình trạng người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng các loại thuốc lá, rượu nhập lậu, giá rẻ hơn. Khi đó, việc tăng thuế sẽ không có ý nghĩa điều tiết giảm tiêu thụ.

Cần phải khẳng định, việc tăng thuế TTĐB với các mặt hàng có hại cho sức khỏe người dân là chủ trương đúng đắn. Việc tăng thuế TTĐB không ảnh hưởng quá lớn tới doanh nghiệp sản xuất, chỉ làm tăng giá sản phẩm, nhằm định hướng tiêu dùng. Đây là giải pháp trực tiếp làm giảm lượng tiêu thụ những loại hàng hóa không có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, góp phần giảm gánh nặng kinh tế.

Tất nhiên, ở giai đoạn hiện nay, cần tính toán lộ trình tăng phù hợp để không gây áp lực cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thị trường đang dần phục hồi.

Trước mắt, cần triển khai những giải pháp làm trong sạch thị trường, chống buôn lậu, gian lận hiệu quả, giảm thất thu cho ngân sách Nhà nước, ngăn chặn triệt để hàng nhập lậu, sau đó mới điều chỉnh các chính sách thuế theo hướng siết chặt của Nhà nước nhằm giảm tiêu thụ mặt hàng có hại cho sức khỏe, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO