Biên phòng - Từ giữa tháng 7 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và Myanmar, để vươn lên dẫn đầu thế giới.
7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 3,9 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1,9 tỷ USD. Điều đáng nói là tuy giảm 1,4% về khối lượng gạo xuất khẩu nhưng giá trị thu về tăng tới 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả khả quan trên nhờ gạo trắng Việt Nam đang có giá tốt nhất thế giới, ở mức 488-492USD/tấn với gạo 5% tấm và 463-467USD/tấn với gạo 25% tấm.
Theo các chuyên gia, không phải ngẫu nhiên gạo Việt Nam lần đầu tiên có giá xuất khẩu vượt qua gạo Thái Lan, mà là kết quả quá trình từ tổ chức sản xuất đến xây dựng thương hiệu. Sau nhiều năm thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo, tới nay cơ bản Việt Nam đã hình thành được những vùng sản xuất lúa tập trung có quy mô, đạt chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Thực tế, gạo Việt Nam được thế giới chú ý nhờ xuất được vào các thị trường “khó tính” như EU, Mỹ, Nhật Bản. Nhiều chủng loại gạo thơm của chúng ta được công nhận ngon nhất thế giới như ST24, ST25... đủ sức cạnh tranh với các loại gạo thơm từ Thái Lan, Ấn Độ và được các nhà nhập khẩu ưu tiên thu mua với giá cao.
Thành công về giá trị của hạt gạo Việt Nam càng đáng ghi nhận trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về nguồn cung, nhiều nước tiêu dùng, nhập khẩu gạo hướng đến tự chủ về lương thực và thực hiện thuế hóa mặt hàng gạo...
Do vậy, dư luận đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong triển khai các biện pháp, giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng gạo Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần tiêu thụ hết lúa gạo cho người nông dân. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư bài bản theo mô hình cánh đồng lớn, thực hiện liên kết bao tiêu chặt chẽ cho nông dân để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được nhu cầu của thế giới.
Triển vọng xuất khẩu gạo Việt Nam đang tiếp tục mở ra khi EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm và tự do hóa hoàn toàn gạo tấm, với thuế suất về 0% theo Hiệp định EVFTA.
Tuy nhiên, để gạo Việt Nam vào được EU và các thị trường có giá trị xuất khẩu lớn, thách thức cũng không nhỏ. Bởi lẽ, EU và nhiều quốc gia yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm với các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, uy tín của doanh nghiệp. Các nhà nhập khẩu cũng ưu tiên hạn ngạch dành cho các chủng loại gạo đặc sản của Việt Nam, trong khi sản lượng và vùng trồng các chủng loại gạo này chúng ta cũng không lớn.
Mặt khác, giá xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng với chất lượng và giá trị thật. Giá xuất khẩu các loại gạo thơm được công nhận ngon nhất thế giới của Việt Nam vẫn chưa tới 1.000 USD/tấn, trong khi các loại gạo thơm Thái Lan được bán trên 1.200 USD/tấn. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam luôn trong tâm thế muốn phá giá để bán được hàng nhanh mà chưa quan tâm đúng mức đến lợi ích của người trồng lúa.
Vì thế, cùng những thay đổi trong canh tác, trồng trọt so với trước đây là giải pháp tối ưu, các nhà xuất khẩu phải đồng lòng, kiên quyết đàm phán giá bán tương xứng với giá trị, chất lượng hạt gạo, đồng thời chia sẻ lợi nhuận với người trồng lúa.
Muốn khẳng định vị thế hạt gạo Việt Nam trên thế giới, doanh nghiệp cần xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết sản xuất, tạo ra các thương hiệu tên tuổi, giúp ngành sản xuất, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững, có chỗ đứng chắc chân ở những thị trường lớn.
Thanh Thảo