Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 02/04/2023 06:39 GMT+7

Tăng “sức đề kháng” cho đồng bào dân tộc thiểu số trước thông tin xấu, độc

Biên phòng - Giờ đây, chỉ với 1 chiếc điện thoại thông minh, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở miền núi, vùng sâu, vùng xa biên giới đã tiếp cận được với đủ loại thông tin trên mạng xã hội. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ kiến thức để nhận biết đâu là thông tin cần thiết, hữu ích, đâu là thông tin xấu, độc, gây nguy hại cho chính mình và cho cả cộng đồng.

Cán bộ Đồn Biên phòng Chiềng On, BĐBP Sơn La phối hợp với Công an xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các quy định khi tham gia mạng xã hội. Ảnh: Minh Phong

Do đó, để tăng “sức đề kháng” cho đồng bào DTTS trước luồng thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, BĐBP Sơn La đã có những cách làm sáng tạo để giúp bà con không bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo dẫn tới vi phạm pháp luật.

Mất tiền chỉ vì thiếu hiểu biết

Từ ngày có điện thoại thông minh, lại thêm mạng Internet phủ sóng đến bản, ngày nào chị Lò Thị Liêng, ở bản Chiềng Khương, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cũng phải dành vài giờ cho việc lướt Facebook và xem các video trên chiếc điện thoại. Công cụ này giúp chị kết nối được nhiều bạn bè, biết thêm nhiều thông tin và có thể chia sẻ với mọi người. Nhưng khi được hỏi về những quy định khi sử dụng mạng xã hội và làm thế nào để nhận biết được thông tin chính thống, được phép chia sẻ thì chị lắc đầu bảo: “Mình có biết gì về quy định sử dụng mạng xã hội đâu. Chỉ biết xem thông tin trên mạng, thấy tin nào hay hay thì chia sẻ cho mọi người cùng xem thôi”.

Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, hay Tiktok... đã không còn xa lạ với đồng bào DTTS ở vùng cao, biên giới Sơn La, nhưng hầu hết người dân đều giống chị Liêng, nhiều người còn chưa nhận thức được thông tin nào là đúng, là chuẩn xác, cũng không hiểu được các quy định khi sử dụng mạng xã hội để thực hiện cho đúng.

Ngày 24-10-2021, Công an huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La phát hiện tài khoản Facebook “Vang Mua” đăng tải nội dung sai sự thật về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cho rằng việc kiểm phiếu tại điểm bầu cử mà người có tài khoản Facebook “Vang Mua” trực tiếp bỏ phiếu bầu không khách quan, kèm theo hình ảnh một cử tri đang tiến hành bỏ phiếu. Công an huyện Bắc Yên đã khẩn trương tổ chức xác minh, xác định được đối tượng đăng tải là Mùa A Vàng, sinh năm 1990, trú tại bản Háng Chơ, xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên.

Khi được cơ quan Công an mời đến làm việc, Mùa A Vàng khai, do không theo dõi quá trình bầu cử nên cho rằng việc bầu cử và kiểm phiếu không công bằng, không khách quan. Bức xúc, Mùa A Vàng đã đăng tải nội dung không đúng sự thật lên mạng xã hội Facebook mà không biết hành vi đó là vi phạm quy định trong việc sử dụng không gian mạng. Sau khi được tuyên truyền, giải thích, Mùa A Vàng đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình, thông tin đăng tải là do nhận thức chủ quan, không có căn cứ, sai sự thật. Mùa A Vàng đã bị xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng, đồng thời, tự gỡ bài viết, đăng tin đính chính.

Ngày 9-11-2021, trên trang Facebook “Hà Thanh Chiên” đăng nội dung “Tình hình dịch bệnh Nà Nghịu đã nhiễm Covid-19 và một nạn nhân tử vong ngay tại nhà”. Sau đó hơn 1 giờ, bài viết này đã bị gỡ bỏ, nhưng Công an huyện Sông Mã lập tức vào cuộc, xác định chủ nhân trang này là Lò Văn Chiên, sinh năm 2005, trú tại bản Híp, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã.

Tại cơ quan Công an, Chiên khai, thời điểm đó, tại huyện Sông Mã có 2 trường hợp dương tính với Covid-19 là công dân đi từ địa phương khác về. Chiên đăng bài trên Facebook nhằm mục đích dọa bạn bè, muốn bạn bè của mình vì sợ bị nhiễm dịch bệnh mà không đi chơi nữa chứ không biết hành vi này đã gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương. Do Chiên chưa đủ 18 tuổi nên Công an huyện đề xuất mức xử phạt vi phạm hành chính 3.750.000 đồng.

Đó chỉ là 2 trong số 30 trường hợp do thiếu hiểu biết, đã cóp nhặt, chia sẻ, đăng tải, bình luận trên mạng xã hội Faceboook những thông tin sai sự thật nhằm mục đích “câu view”, “câu like”, tăng sự tương tác trên mạng xã hội để thể hiện cái tôi của mình hoặc phục vụ mục đích bán hàng online..., đã bị Công an tỉnh Sơn La phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong năm 2021, với tổng số tiền gần 200 triệu đồng. Trong đó, 20 trường hợp vi phạm là người DTTS.

Tuyên truyền, vận động chính là “vaccine” hữu hiệu

Đứng chân trên địa bàn xã biên giới, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, đời sống, kinh tế của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng On, BĐBP Sơn La đã phối hợp cùng cán bộ địa phương đến từng bản, từng hộ dân tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân, nhất là những người trẻ về quan điểm của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng, những quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn an ninh mạng.

Đơn vị còn phối hợp với Công an tỉnh Sơn La tổ chức các buổi tuyên truyền để cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin chính thống, giúp mỗi cá nhân nhận biết được đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm mục đích xấu, từ đó, tạo nên “sức đề kháng” cho nhân dân trước những thông tin xấu độc, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch và các đối tượng xấu, tránh bị kẻ xấu lợi dụng trên không gian mạng.

Tuy nhiên, do một bộ phận nhân dân nhận thức còn hạn chế và không phải ai cũng hiểu được tiếng phổ thông, nên công tác tuyên truyền, vận động của lực lượng chức năng ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới đòi hỏi phải lâu dài, kiên trì và có phương pháp phù hợp.

Đại úy Đỗ Văn Nghiệp, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Chiềng On cho biết: “Nếu chỉ nói chung chung về Luật An ninh mạng hoặc các quy định khi sử dụng mạng xã hội, thì bà con sẽ khó hiểu và khó nắm bắt. Khi tuyên truyền, chúng tôi phải trực tiếp cầm điện thoại hướng dẫn cho bà con không được đăng tải, chia sẻ, bình luận những hình ảnh, thông tin xấu, sai sự thật về Đảng, Nhà nước, không tiếp cận những thông tin không chính thống. Đồng thời, hướng dẫn bà con cách nhận biết thủ đoạn của các đối tượng xấu để không bị lợi dụng trên không gian mạng”.

Còn anh Vì Văn Thiếc, Bí thư chi bộ bản Puông, xã Chiềng Khương cho biết: “Được cán bộ Đồn Biên phòng Chiềng Khương tuyên truyền, hướng dẫn, chúng tôi đã biết được đâu là thông tin đúng, được phép chia sẻ, đâu là thông tin chưa được kiểm chứng, chia sẻ sẽ vi phạm pháp luật. Bà con thích điện thoại thông minh lắm, hay truy cập vào Facebook, Zalo, nên với trách nhiệm của Bí thư chi bộ bản, tôi cũng sẽ tìm hiểu thêm để trực tiếp tuyên truyền cho từng người, giúp họ hiểu biết hơn để sử dụng cho đúng”.

Cũng theo Đại úy Đỗ Văn Nghiệp, ở vùng đồng bào DTTS thì việc tuyên truyền cho bà con hiểu và làm theo cũng phải có cách riêng. Với họ, việc đi làm nương quan trọng hơn ngồi nghe cán bộ Biên phòng tuyên truyền. Vì vậy, để thu hút người nghe, cán bộ BĐBP thường cho bà con xem video, hình ảnh trực tiếp, sinh động, từ đó, bà con biết cách thực hiện để không vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết.

“Chúng tôi xác định, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng luôn là yếu tố then chốt, quan trọng. Mỗi cá nhân khi tham gia vào không gian mạng đều cần được tuyên truyền, phổ biến các quy định về nguy cơ mất an toàn thông tin và các kỹ năng cơ bản đảm bảo an ninh trật tự trên không gian mạng. Việc làm này đang được đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng tiến hành thường xuyên, liên tục để xây dựng một không gian mạng an toàn, đủ sức bảo vệ quyền và lợi ích của chính bản thân người sử dụng” - Đại úy Đỗ Văn Nghiệp khẳng định.

Minh Phong

Bình luận

ZALO