Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 09:36 GMT+7

Tăng khả năng “miễn dịch” với “diễn biến hòa bình” ở vùng dân tộc thiểu số

Biên phòng - Trong quá trình thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động ra sức đẩy mạnh thực hiện “chuyển hóa” trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá-xã hội, quốc phòng-an ninh. Ở địa bàn miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, để tăng khả năng “miễn dịch” với các hoạt động “diễn biến hòa bình”, cần thực hiện các giải pháp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc một cách bền vững, thực hiện công bằng trong phát triển giữa các vùng miền...

ane7_6b
Thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc là giải pháp căn cơ phòng, chống “diễn biến hòa bình” hiệu quả. Ảnh: CTV

“Mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch lợi dụng

Do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện địa lý đặc thù, nên các dân tộc Việt Nam có trình độ phát triển không đều về kinh tế, văn hóa, xã hội; đời sống dân trí và các hoạt động xã hội giữa nông thôn với thành thị, miền xuôi và miền núi còn có sự chênh lệch khá cao. Đặc biệt, các cộng đồng dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng núi cao, biên giới hẻo lánh, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Đây là cơ hội, là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá, thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”.

Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam, một trong những thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động là lợi dụng những khó khăn về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, những yếu kém trong bộ máy chính quyền địa phương ở một số nơi, nhất ở vùng sâu, vùng xa, để kích động, chia rẽ, nhằm làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương...

Chúng thường lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách dân tộc để tạo mâu thuẫn, xuyên tạc sự thật, mua chuộc, lôi kéo những phần tử xấu trong đồng bào dân tộc thiểu số; kích động, thúc đẩy những người nhẹ dạ, cả tin gây ra những hành động cực đoan, làm mất ổn định về chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Chúng còn tận dụng tối đa mọi cơ hội để kích động đồng bào các dân tộc, làm nảy sinh các cuộc đòi “dân chủ”, đòi thứ “quyền viển vông” nhằm gây rối loạn tình hình an ninh xã hội...

Đặc biệt, chúng hết sức chú trọng yếu tố tâm lí và sự dồn nén khó khăn về đời sống tinh thần, vật chất để tạo dựng xu hướng bất bình với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Ở mức độ khác, chúng còn ngấm ngầm truyền bá tư tưởng phản động, kích động ly khai dân tộc, đòi thành lập nhà nước tự trị; lôi kéo, kích động, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ Việt Nam với các nước láng giềng. Mục tiêu sâu và xa của chúng là tổ chức, tập hợp lực lượng phản động, xây dựng cơ sở tạo sự chống đối trong nội bộ các dân tộc, gây nên các cuộc bạo loạn mang tính chất chính trị, hòng tạo cớ để các thế lực thù địch bên ngoài can thiệp, gây mất ổn định chính trị đất nước.

Cần một giải pháp đồng bộ

Hiện nay, đất nước ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, đất nước vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ở một số địa phương miền núi, biên giới chưa được cải thiện nhiều dẫn đến tình trạng tệ nạn xã hội, hủ tục, mê tín dị đoan, di cư tự do, vượt biên, truyền đạo trái pháp luật... còn diễn biến phức tạp. Lợi dụng triệt để thực trạng này, các thế lực thù địch, phản động ra sức tìm cách chống phá.

Cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” là một quá trình lâu dài, phức tạp, không chỉ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt, mà còn có tính chiến lược trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Ở các địa phương thuộc vùng miền núi, biên giới, để ngăn chặn hiệu quả mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, ban ngành cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cho đồng bào các dân tộc thấy được tính đúng đắn, ưu việt trong các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần có nhiều biện pháp phù hợp, trước hết là quan tâm tới công tác đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở và cán bộ làm công tác tuyên truyền có khả năng nhận thức và các kỹ năng hoạt động thực tiễn, đủ sức giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác chính trị - tư tưởng và đủ sức đề kháng với các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Cần thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền chống “diễn biến hòa bình”.

Nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu, đi vào những vấn đề cụ thể, thiết thực. Đối với đội ngũ già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, cần có chính sách đãi ngộ, khuyến khích để họ trực tiếp tham gia giải thích, vận động nhân dân, tham gia trực tiếp làm công tác tuyên truyền ở ngay trong từng thôn, bản. Cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc rà soát các vấn đề nổi cộm trong nhân dân, dân chủ trao đổi, bàn bạc với dân để giải quyết thấu tình, đạt lý, đúng pháp luật để xây dựng quy trình phòng ngừa và xử lý “điểm nóng” thích ứng với đặc điểm vùng, miền, tập quán của từng dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong việc làm tăng khả năng “miễn dịch” với các hoạt động “diễn biến hòa bình” ở vùng miền núi, biên giới vẫn là tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, gắn tăng trưởng kinh tế cao với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở các vùng này. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc, rút ngắn khoảng cách phát triển về kinh tế - xã hội giữa các vùng miền, sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ các phúc lợi xã hội của người dân giữa các dân tộc. Đây cần được xem là một giải pháp mang tính bền vững, lâu dài, bởi nó có thể góp phần tăng cường mối quan hệ bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc, đồng thời tạo ra cơ sở để huy động mọi nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào ở vùng miền núi, biên giới...

Nguyễn Đình Hùng

Bình luận

ZALO