Biên phòng - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự thảo tờ trình về điều chỉnh giờ làm thêm báo cáo Chính phủ trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng và được tổ chức làm thêm đến 300 giờ trong 1 năm cho tất cả các ngành nghề, công việc.

Dự kiến đối tượng được thực hiện việc tăng giới hạn làm thêm bao gồm: Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận. Thời gian thực hiện là từ khi Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2024.
Lý giải cho đề xuất trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, thời gian qua, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, lực lượng lao động đã giảm xuống dưới 50% ở không ít các doanh nghiệp. Nhất là doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi cung ứng như: dệt may, da, giày, chế biến thủy, hải sản... nằm trong vùng bị phong tỏa, cách ly phải cho người lao động nghỉ việc, giãn việc, lực lượng lao động giảm xuống dưới 30%, trong khi vẫn phải bảo đảm tiến độ sản xuất và các hợp đồng giao hàng đã ký kết.
Đến khi có thể tổ chức sản xuất trở lại, doanh nghiệp và người lao động muốn thỏa thuận làm thêm giờ để bù cho khoảng thời gian phải ngừng làm việc, mặc dù vẫn tuân thủ thời gian tối đa làm thêm giờ trong năm nhưng lại bị giới hạn về số giờ làm việc trong tháng không quá 40 giờ.
Theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động tại một số ngành, nghề như dệt may, da, giày, chế biến thủy, hải sản... được phép thỏa thuận với người lao động làm thêm tối đa 300 giờ/năm và tổng thời gian làm thêm giờ không quá 40 giờ/tháng.
Các chuyên gia lao động cho rằng, quy định này đã gây khó khăn cho người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động làm thêm giờ trong giai đoạn rất cần thiết này, để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Điều này đã dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sự chuyển dịch đầu tư từ Việt Nam sang các nước khác.
Vì vậy, việc cho phép người sử dụng lao động không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong tháng trong khoảng thời gian nhất định là cần thiết. Qua đó, người sử dụng lao động sẽ tận dụng tối đa nguồn lực khi bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh và tiến hành phục hồi sản xuất.
Các hiệp hội đề xuất Nhà nước cho phép doanh nghiệp, sau thời gian phong tỏa được bố trí thời gian làm thêm quá quy định nêu trên để giải quyết các đơn hàng tồn đọng, chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thời gian làm thêm và chịu trách nhiệm hậu kiểm để đảm bảo không quá 300 giờ/năm theo quy định.
Phản ứng từ nhiều lao động cũng cho thấy sự đồng thuận làm thêm giờ vì tăng ca, tăng giờ làm lên mà các chế độ, chính sách được thực hiện tốt, thì người lao động cũng được tăng thu nhập.
Từ thực trạng trên 1,2 triệu lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương và ngừng việc trong thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lưu ý, dịch bệnh còn diễn biến khó lường, việc tăng thời gian làm thêm là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo hoạt động bền vững cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh theo tình hình thực tế về nguyên liệu và lực lượng lao động.
Tuy nhiên, việc tăng giờ làm thêm phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận, chế độ đãi ngộ làm thêm giờ và bảo đảm sức khỏe của người lao động, không áp dụng trên phạm vi tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và phạm vi cả nước.
Mặt khác, đây là một giải pháp tình thế, cấp bách, tạm thời, nên việc áp dụng giải pháp này lâu nhất cũng chỉ nên đến hết ngày 31-12-2023. Nếu áp dụng lâu quá thì không đảm bảo được ý nghĩa của Bộ luật Lao động.
Thanh Thảo