Biên phòng - Sau 5 năm hành động và 6 tháng cao điểm chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nỗ lực gỡ “thẻ vàng” trong khai thác hải sản, các địa phương ven biển đã ghi nhận nhiều kết quả đáng mừng.
Ngoài việc nâng cao nhận thức cho ngư dân, việc quản lý tàu cá cũng đi vào nền nếp. Hơn thế nữa, đây cũng là cơ hội để các địa phương sắp xếp, cơ cấu lại nghề khai thác hải sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, ổn định hơn.
Qua kiểm tra và nắm bắt thực tế, Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ghi nhận chuyển biến tích cực tại các địa phương về công tác quản lý đội tàu, chứng nhận truy xuất nguồn gốc hải sản...
Đặc biệt, 97,65% trong tổng số 86.820 tàu khai thác thủy hải sản của cả nước đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho tàu cá; nhiều địa phương ven biển đã gần hoàn thành công tác đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).
Tuy nhiên, Cục Kiểm ngư cảnh báo, nguy cơ vi phạm quy định IUU nằm ở số ít tàu cá chưa lắp đặt VMS và tàu mất kết nối để trốn tránh giám sát của cơ quan có thẩm quyền. Từ đầu năm đến nay, tiếp tục xảy ra nhiều tàu, ngư dân bị nước ngoài (Malaysia, Indonesia, Thái Lan) bắt giữ, xử lý và tập trung tại các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang.
Ngoài ra, Cục Thủy sản chỉ ra tình trạng tàu cập cảng tư nhân (không được chỉ định) để bốc dỡ thủy sản, nên khó thống kê, xác định sản lượng khai thác của các địa phương như quy định. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng có liên quan, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý cũng như ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân chưa tốt, dẫn đến còn một số nhiệm vụ chưa hoàn thành.
Theo yêu cầu của EC, tàu đi đánh bắt hải sản phải có nhật ký, nhưng qua giám sát, hiện nay, chủ tàu hoặc thuyền trưởng mới chủ yếu ghi hồi ký, chứ không phải nhật ký theo quy định. Hiện, các cơ quan chức năng mới quản lý được khoảng 40% tàu cập bến đúng quy định và trong đó, sản lượng cá đi theo tàu cũng chỉ quản lý được 25-30%.
Để chấn chỉnh tình trạng vi phạm, cơ quan chức năng đã điều chỉnh một số giải pháp mạnh tay như tăng thêm 6 thiết bị theo dõi phạt nguội những tàu vi phạm; đồng thời bổ sung quy định phạt cả chủ tàu lẫn máy trưởng để xảy ra vi phạm khai thác IUU.
Theo kế hoạch, trong tháng 10 tới, Đoàn Thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam để kiểm tra việc thực thi các quy định về IUU lần thứ 4. Do đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU yêu cầu các địa phương tập trung cao độ nguồn lực để kiểm soát hoạt động của tàu cá, ngăn chặn triệt để các hành vi khai thác IUU, bởi Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định không gỡ "thẻ vàng" nếu không chấm dứt hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Các địa phương ven biển phải tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp mà Thủ tướng yêu cầu, trọng tâm là xử lý tình trạng tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài và tăng cường thực thi pháp luật trên biển để xử lý, xử phạt, tăng cường giám sát hành trình, truy xuất nguồn gốc... nhằm đảm bảo độ tin cậy cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào châu Âu.
Cùng với tăng cường rà soát, quản lý hệ thống tàu đánh cá kể cả xa bờ và ven bờ, các lực lượng chức năng như BĐBP, Cảnh sát biển, Kiểm ngư cần tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn ngừa, xử lý, hạn chế thấp nhất các vi phạm của chủ tàu cá.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp các bộ, ngành, địa phương có liên quan để quản lý theo chuỗi đối với hoạt động của tàu cá khi tham gia khai thác thủy sản, thực hiện việc xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác bảo đảm tuân thủ đúng quy định, tiến tới phát triển ngành khai thác thủy sản của Việt Nam bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.
Hoàng Lâm