Biên phòng - Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được chuẩn bị công phu, bố cục chặt chẽ, có nhiều đổi mới, sáng tạo, các nội dung vừa cụ thể, vừa có tính khái quát cao, thể hiện tính kế thừa và phát triển về tư tưởng, lý luận của Đảng, đồng thời phản ánh sâu sắc thực tiễn cách mạng Việt Nam, niềm tin, tâm tư, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đặc biệt, trong 15 nội dung của dự thảo báo cáo chính trị, có riêng một nội dung về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, dự thảo báo cáo chính trị khẳng định: Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp, đã giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh và lực lượng vũ trang. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN.
Tư duy về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển mới và ngày càng hoàn thiện. Chủ động phát hiện, có các phương án, đối sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa và kiểm soát tốt các nhân tố có thể gây bất lợi đột biến. Tiềm lực quốc phòng được tăng cường; thế trận lòng dân được chú trọng; thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm được củng cố.
Nhận thức và giải quyết các mối quan hệ với đối tác, đối tượng có bước chuyển biến quan trọng. Đã ban hành và triển khai đồng bộ các chiến lược quan trọng như Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng...
Dự thảo báo cáo chính trị cũng chỉ rõ một số hạn chế, bất cập là: Công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh có lúc còn chưa sát, thiếu chủ động, an ninh trên một số địa bàn, lĩnh vực chưa thật vững chắc, còn tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định. Công tác quản lý, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn hạn chế. Việc kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh ở một số địa phương, đơn vị thiếu hiệu quả, còn biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác, nặng về lợi ích kinh tế đơn thuần, trước mắt.
Về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, dự thảo báo cáo chính trị chỉ rõ: Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, đồng thời kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc... Việc “kết hợp với sức mạnh thời đại” trong củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN là vấn đề mới được Đảng ta đưa vào dự thảo báo cáo chính trị.
Nghiên cứu nội dung: “Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN”, đề nghị cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung cụ thể như sau:
Một là, tại mục X, trang 49, khổ 3 từ trên xuống của dự thảo báo cáo chính trị viết: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân”. Nội dung này đề nghị bỏ cụm từ “xây dựng thế trận lòng dân”, bởi trong điểm đ, Điều 7, Luật Quốc phòng năm 2018 xác định: “...xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân trong phạm vi cả nước”; Sách trắng Quốc phòng năm 2019 chỉ rõ: “thế trận lòng dân” là một nội dung cốt lõi của “thế trận quốc phòng toàn dân”, nên đề cập đến “thế trận quốc phòng toàn dân” là đã bao hàm đầy đủ cả “thế trận lòng dân”. Do đó, nội dung này nên diễn đạt như sau: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân”.
Hai là, trang 50, khổ 3 từ trên xuống của dự thảo báo cáo chính trị, đề nghị bổ sung nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh cho sát với tình hình thực tiễn không chỉ ở thời điểm hiện tại quân đội ta đang tích cực đóng góp có hiệu quả cho nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 mà còn định hướng cơ bản, lâu dài nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Do đó, đề nghị viết lại như sau: “Tăng cường nguồn lực cho quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, quan tâm đầu tư hiện đại hóa trang bị, phương tiện phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, xây dựng và củng cố tuyến biên giới, biển, đảo”.
Ba là, dự thảo báo cáo chính trị đã đề cập đến xây dựng nền quốc phòng toàn dân, trong đó có tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, nhưng chưa thấy đề cập đến lực lượng quốc phòng toàn dân - một trong ba nội dung cốt lõi của nền quốc phòng toàn dân (tiềm lực, lực lượng, thế trận). Lực lượng quốc phòng toàn dân gồm: Lực lượng toàn dân và lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ); trong đó, lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Tuy nhiên, ở phần tiếp theo trong mục này, dự thảo có đề cập đến xây dựng QĐND, dân quân tự vệ... nhưng chưa thấy bàn đến “lực lượng toàn dân”. Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung thêm “xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân vững mạnh, nòng cốt là QĐND, dân quân tự vệ, trong đó tập trung vào nơi xung yếu trên tuyến biên giới, biển, đảo”.
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tham mưu trưởng BĐBP