Biên phòng - Ngày 22-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019.

Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh: Năm qua, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 tiếp tục có những chuyển biến tích cực ở trên mọi lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tạo thêm và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của đất nước để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Cùng với đó, công tác đổi mới, sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp tiếp tục được đẩy mạnh. Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử được triển khai tích cực, hướng tới nền hành chính công khai, minh bạch, thông suốt, hiệu quả.
Đặc biệt, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai, thực hiện mạnh mẽ hơn, có tác động cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, nghiêm trọng tiếp tục được phát hiện, xét xử nghiêm minh. Tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm.
Đại diện cơ quan thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc cơ cấu lại ngân sách và kỷ luật thu chi ngân sách đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn bất cập, hạn chế. Vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia (như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành) vẫn còn nhiều vướng mắc. Một số dự án phải lùi tiến độ, tăng thêm vốn, tổng mức đầu tư gây tốn kém làm đảo lộn các kế hoạch, đề án phát triển, quy hoạch đô thị khác.
Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế các cơ quan hành chính Nhà nước, đẩy mạnh tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi ngân sách còn bất cập. Công tác quản lý sử dụng đất đai vẫn còn hạn chế, pháp luật về đất đai vẫn còn nhiều nội dung chưa thống nhất, đồng bộ dẫn đến nhiều khiếu kiện, bức xúc của nhân dân...
Từ những phân tích trên, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải đề nghị cần kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi Chương trình, Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam và thế giới, ảnh hưởng lớn đến thu, chi ngân sách, cần có biện pháp sắp xếp lại thu, chi ngân sách, cân đối ngân sách trình cấp có thẩm quyền quyết định. Giao thêm chỉ tiêu tiết kiệm ngân sách Nhà nước năm 2020 trong tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài... để tập trung bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục kinh tế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra để bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách Nhà nước, đặc biệt là các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, tránh tình trạng lạm dụng chính sách....
V.H