Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:13 GMT+7

Tăng cường quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân, góp phần giữ vững ổn định tình hình đơn vị

Biên phòng - Quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân có vai trò rất quan trọng trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Đó là sự tác động về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chính sách của các chủ thể, trực tiếp là cấp ủy, chỉ huy, các tổ chức trong đơn vị; sự tự giác quản lý của mỗi cán bộ, chiến sĩ nhằm điều chỉnh, bổ sung, phát triển các mối quan hệ xã hội tốt đẹp của quân nhân.

Giờ sinh hoạt tư tưởng của Đồn Biên phòng Quan Lạn (BĐBP Quảng Ninh). Ảnh: Trương Thúy Hằng

Quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân ở đơn vị hiện nay cần phải toàn diện, kết hợp vận dụng đa dạng các hình thức, phương pháp quản lý gắn với quá trình xây dựng, phát triển đơn vị và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của quân nhân, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, bí thư, gắn với các hoạt động của đơn vị, góp phần xây dựng phẩm chất, nhân cách người quân nhân cách mạng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Quan hệ xã hội của quân nhân trong đơn vị là tổng thể những mối quan hệ tác động qua lại của quân nhân trong hoạt động quân sự và trong cuộc sống hàng ngày bao gồm: Quan hệ của quân nhân với cấp ủy, chỉ huy các cấp. Đây là mối quan hệ giữa phục tùng sự lãnh đạo, chỉ huy, quản lý với lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, mọi quân nhân đều phải chấp hành nghiêm chỉnh sự lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của cấp ủy, chỉ huy cấp mình và cấp trên;

Quan hệ của quân nhân với quân nhân. Đây là mối quan hệ theo chức trách, nhiệm vụ, đúng quy định của điều lệnh quân đội và pháp luật của Nhà nước, thể hiện tình đồng chí, đồng đội trên tinh thần dân chủ, bình đẳng của những người cùng thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, theo chức trách, nhiệm vụ và quyền lợi hợp pháp, cấp trên lắng nghe ý kiến cấp dưới, sĩ quan tôn trọng tiếp thu ý kiến của chiến sĩ, chiến sĩ tôn trọng sự chỉ huy và chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh của sĩ quan.

Quan hệ của quân nhân với cá nhân, tổ chức ngoài đơn vị, gồm: Quan hệ với cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội nơi đóng quân, nơi cư trú, địa bàn hoạt động; quan hệ với gia đình và người thân, bạn bè ... là những mối quan hệ đa dạng, phức tạp….

Quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân là tổng thể hoạt động có mục đích, kế hoạch và quy trình thống nhất của cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy các cấp, tổ chức quần chúng, tập thể quân nhân và của mỗi quân nhân do chính ủy, chính trị viên (bí thư), chỉ huy đơn vị nhằm nắm thực chất khuynh hướng tư tưởng, tâm lý, tình cảm, hành vi của quân nhân, từ đó có biện pháp tổ chức, định hướng, điều khiển và phát triển các mối quan hệ xã hội lành mạnh, góp phần giữ vững, phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Những năm qua cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong toàn quân đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý tư tưởng, kỷ luật và mối quan hệ xã hội của quân nhân, giữ vững ổn định tình hình đơn vị. Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong toàn quân đã ban hành nhiều văn bản, quy định về quản lý tình hình tư tưởng, các mối quan hệ của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan-binh sỹ và công nhân viên chức quốc phòng.

Nội dung quản lý các mối quan hệ của quân nhân tập trung vào quản lý quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao mà quân nhân là thành viên của tổ chức đó như: Tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội đồng quân nhân; quản lý mối quan hệ của quân nhân với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân, nơi cư trú; quản lý mối quan hệ của quân nhân đối với gia đình, bạn bè, người thân...

Trong đó chú trọng các biện pháp quản lý trực tiếp và gián tiếp như: Thông qua hoạt động hàng ngày của quân nhân; thông qua giao ban, sinh hoạt đối thoại dân chủ, trực tiếp nghe quân nhân báo cáo, phản ánh, trực tiếp kiểm tra, giám sát các mối quan hệ xã hội của quân nhân. Bên cạnh đó, quản lý mối quan hệ của quân nhân thông qua hồ sơ, sổ sách, thông qua báo cáo, phản ánh của các tổ chức, các lực lượng trong và ngoài đơn vị, thông qua lấy phiếu tín nhiệm đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng…; thông qua nhận và giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại và thông qua quân nhân tự khai, bổ sung lý lịch định kỳ hàng năm...

Qua đó đã góp phần giữ vững ổn định tình hình đơn vị, xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức; tạo nên sự gắn kết giữa các quân nhân với nhau; góp phần xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú và bầu không khí dân chủ, đoàn kết trong toàn đơn vị, trực tiếp góp phần định hướng tư tưởng, thái độ, hành vi, giúp mỗi quân nhân hoàn thiện, phát triển nhân cách người quân nhân cách mạng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng An Hải (BĐBP Phú Yên) tuần tra bảo vệ vùng biển. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân, hiện nay ở một số đơn vị, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ chỉ huy các cấp có lúc còn xem nhẹ, chưa đề cao trách nhiệm trong quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân; chưa kịp thời nắm chắc các mối quan hệ xã hội phức tạp của quân nhân để có các biện pháp ngăn chặn, giải tỏa kịp thời, do đó còn để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng trong đơn vị.

Vì vậy, trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân, các đơn vị cần chú trọng thực hiện một số biện pháp cơ bản sau đây.

Một là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên, bí thư; tăng cường các biệp pháp công tác Đảng, công tác chính trị, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện có nền nếp, chất lượng công tác Đảng, công tác chính trị, thực hiện tốt phân loại tư tưởng, phân loại rèn luyện; phân công cán bộ theo dõi, kèm cặp, giúp đỡ quân nhân cá biệt tiến bộ, trưởng thành.

Hai là, thường xuyên quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của các cấp về xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật; các quy định về nêu gương, các cuộc vận động của Trung ương, Quân đội... Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá được xác định trong nghị quyết đại hội nhiệm kỳ và từng năm của các đơn vị; làm tốt công tác rà soát, quản lý tốt tình hình chính trị nội bộ, tập trung làm rõ các vấn đề về phẩm chất chính trị; đạo đức, lối sống; chấp hành pháp luật, kỷ luật; thực hiện các chế độ, nền nếp, quy định của đơn vị; tăng cường các biện pháp quản lý quân nhân thuộc quyền trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, dịp lễ, tết và các mối quan hệ của quân nhân ngoài đơn vị.

Ba là, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, điều lệnh, điều lệ và các quy định về quan hệ xã hội của quân nhân trong đơn vị; cần duy trì nghiêm điều lệnh, điều lệ của quân đội, các chế độ, quy định của đơn vị, gắn với xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng môi trường văn hóa, bầu không khí dân chủ trong đơn vị.

Bốn là, mỗi quân nhân nêu cao trách nhiệm, lòng tự hào, tự trọng, thường xuyên phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; nêu cao tinh thần đoàn kết gắn bó, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ; tự giác ghép mình vào tổ chức, gắn bó với đơn vị, quán triệt và chấp hành nghiêm chỉ thị, nghị quyết, mệnh lệnh cấp trên, gương mẫu về đạo đức, lối sống, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị, giải quyết các mối quan hệ có lý, có tình, vì sự tiến bộ của tập thể, cá nhân.

Hoàng Thành Hậu (Học viện Chính trị)

Bình luận

ZALO