Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 20/03/2023 10:52 GMT+7

Tăng cường phòng chống bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái

Biên phòng - Trong những năm trở lại đây, công tác phòng chống bạo lực tình dục, đặc biệt là các đối tượng phụ nữ và trẻ em gái có những chuyển biến tích cực nhờ sự quan tâm của các cơ quan chức năng và toàn thể xã hội.

4x6vmuqni1-9512_f_jqno9c1g0_1
Nhiều phụ nữ phải chịu bạo hành tình dục từ chính người chồng mình.

Thực trạng

Bạo lực tình dục đối với phụ nữ là một tệ nạn đã xảy ra trên thực tế ở nhiều địa phương tại nước ta trong suốt thời gian qua. Một nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được các nhà khoa học thực hiện trước đây ghi nhận trên thực tế bạo lực tình dục có nhiều hình thái khác nhau như: do người chồng gây ra, do người khác ngoài người chồng gây ra từ khi đủ 15 tuổi; bị người khác lạm dụng tình dục thời niên thiếu trước khi đủ 15 tuổi; bị chính thành viên trong gia đình sàm sỡ hay ép buộc thực hiện hành vi tình dục ngoài ý muốn...

Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái là nguy cơ phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người. Do đó, cần thiết phải có hành động toàn cầu để giải quyết vấn đề này. Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhân, mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội.

Theo kết quả nghiên cứu “Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình gây ra với phụ nữ tại Việt Nam” của LHQ, những chi phí và thiệt hại về kinh tế do bạo lực gây ra chiếm gần 1,5% GDP của Việt Nam.

Số liệu từ Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục thống kê và LHQ tại Việt Nam công bố cho thấy gần 60% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong 3 hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Khoảng 50% nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng. 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.

Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, vẫn diễn biến phức tạp và đang là vấn đề gây bức xúc toàn xã hội. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái.

Trong vài năm trở lại đây, các vấn đề liên quan tới bạo lực tình dục đã và đang được đưa ra ngoài ánh sáng nhiều hơn. Hiện nay, việc phát hiện về bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em qua báo chí là nguồn tin chính để các cơ quan, dịch vụ bảo vệ trẻ em vào cuộc hỗ trợ nạn nhân, xử lý thủ phạm. Trung bình mỗi năm có gần 2.000 trẻ em xác định là nạn nhân bạo lực, xâm hại được công an các cấp can thiệp, điều tra. Tuy nhiên, đây chỉ là con số trên bề nổi đã được thống kê, còn rất nhiều trường hợp khác bị gia đình, người thân giấu đi.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân đầu tiên do ảnh hưởng từ các văn hóa phẩm độc hại khiến đạo đức của một số người xuống cấp, khi có nhu cầu quan hệ tình dục thường tìm đến đối tượng là trẻ em. Bên cạnh đó, nạn nhân là những trẻ em đua đòi, ăn chơi dễ bị lôi kéo, dụ dỗ. Gia đình, nhà trường không giáo dục trẻ nhận thức các mối nguy hiểm từ việc xâm hại. Trẻ thiếu các kỹ năng phòng tránh, tự vệ, phản kháng để chống lại các hành vi lạm dụng. Khi xảy ra sự việc đa số nạn nhân đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ. Về phía cha mẹ, người thân e ngại ảnh hưởng đến tương lai của người bị nạn nên không tố giác kẻ phạm tội.

Chung tay chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Thời gian qua, Việt Nam luôn chú trọng thực thi các giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ và thực thi bình đẳng giới. Bên cạnh việc ban hành pháp luật và chỉ đạo thường xuyên về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tháng 8 – 2018 Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em với khoảng 18.000 đại biểu tại gần 700 điểm cầu tham dự. Hàng năm, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội có các phiên làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để giám sát, đánh giá việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới.

91iratn0gx-9512_f_jqno9g0w1_2
Pano tuyên truyền về xâm hại trẻ em.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai các hoạt động, một số mô hình như Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng, Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới, Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ bình đẳng giới, Trường học an toàn, thân thiện không bạo lực, Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái góp phần từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ và cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời huy động sự hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế đặc biệt là Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam để xây dựng và nhân rộng các mô hình, đảm bảo tính sẵn có và dễ tiếp cận cho cả người bị bạo lực và người gây bạo lực.

Tuy nhiên, so với các dạng bạo lực khác, việc xử lý, can thiệp kịp thời các vụ việc bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng còn gặp những khó khăn nhất định như: Phụ nữ khó tố cáo các vụ việc bị bạo lực tình dục và tìm kiếm sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời so với những vấn đề về bạo lực thể xác. Việc xử lý và can thiệp đôi lúc chưa kịp thời, chưa thỏa đáng đã gây ra sự bất bình trong xã hội.

Tác động của các chương trình, mô hình có thể thấy được qua việc một số phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực tình dục thay vì cam chịu như trước đây đã dám lên tiếng tố cáo để các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý; cộng đồng cũng đã bày tỏ quan điểm ủng hộ người bị bạo lực và yêu cầu xử lý thích đáng người có hành vi bạo lực tình dục. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình các cơ quan chức năng, các đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện điều tra, xử lý và hỗ trợ nạn nhân.

Để góp phần vào bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, mỗi cá nhân sẽ là một tuyên truyền viên vận động bạn bè, người thân và cộng đồng cùng nói không với bạo lực gia đình, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, hy vọng các thông điệp về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái sẽ lan tỏa mạnh mẽ đến các tầng lớp trong xã hội, hướng đến mục tiêu xây dựng một xã hội bình đẳng, tiến bộ, phát triển bền vững.

Thanh Thanh

Bình luận

ZALO