Biên phòng - Đã thành lệ, những ngày đầu tháng, các tuyên truyền viên là cán bộ tại các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới của tỉnh Điện Biên lại tỏa về các thôn bản để tiến hành công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào. Sau buổi tuyên truyền tại cộng đồng, các cán bộ sẽ có thêm những chuyên đề đặc biệt cho một đối tượng đặc thù trên địa bàn theo hình thức nhóm nhỏ hoặc sinh hoạt tại các Câu lạc bộ phụ nữ, Câu lạc bộ pháp luật, Câu lạc bộ đồng cảm… Không chỉ có BĐBP Điện Biên, suốt 10 năm qua, nội dung này đã được các đơn vị BĐBP toàn lực lượng tiến hành đều đặn, thực chất, góp phần làm đổi thay đáng kể nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trên các tuyến biên giới.

Khắc phục khó khăn để thực hiện mục tiêu
Luật PBGDPL năm 2012 quy định rõ, có 6 nhóm đối tượng đặc thù gồm: Người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người khuyết tật; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo.
Đây là những đối tượng có sự nhận thức chung và nhận thức pháp luật hạn hẹp, đa phần đều mặc cảm, tự ti, ít chịu tiếp xúc với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nên hiệu quả PBGDPL chưa cao. Bên cạnh đó, những đối tượng này ở phân tán tại các bản làng xa xôi, hẻo lánh, số khác thường xuyên di biến động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu làm lao động tự do, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Để tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng này, các đơn vị BĐBP đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương rà soát số liệu, khảo sát thông tin đối tượng để triển khai thực hiện. Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, những cán bộ tuyên truyền, PBGDPL quân hàm xanh đã đến với các đối tượng đặc thù bằng tình cảm, trách nhiệm và sự sẻ chia chân thành. Các anh đã tạo nên nhiều thay đổi trong công tác này bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng địa bàn và từng nhóm đối tượng.
10 năm qua, các đơn vị BĐBP đã tổ chức hơn 1.200 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL cho trên 100.000 lượt người là đối tượng đặc thù ở khu vực biên giới; tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành 23.000 tài liệu, gần 10.200 áp phích phục vụ tuyên truyền; phát hàng chục nghìn tin, bài phát thanh trên hệ thống loa, đài địa phương, thôn, bản.
Nội dung PBGDPL tập trung mạnh vào Luật Biên giới quốc gia (2003); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Giao thông đường bộ; Luật Đất đai; Luật An ninh mạng; các quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống dịch bệnh Covid-19; phòng, chống ma túy; Bộ luật Hình sự; các lĩnh vực pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm, an toàn vệ sinh lao động; pháp luật về bình đẳng giới, phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống bạo lực học đường... Qua đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho từng đối tượng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bám sát đối tượng để có hình thức tuyên truyền phù hợp
Kể từ khi triển khai thực hiện Luật PBGDPL, qua từng năm, công tác tuyên truyền, PBGDPL cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân luôn được chú trọng và thường xuyên đổi mới. Hằng năm, BĐBP các tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp, Ban Dân tộc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố và cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai công tác này thông qua các hình thức như trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở, cung cấp tài liệu pháp luật, PBGDPL lồng ghép với các hình thức sinh hoạt văn hóa, hoạt động thanh niên tình nguyện để đưa thông tin, kiến thức pháp luật đến với nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, ngư dân ven biển… Vai trò, vị thế của nông dân, ngư dân, đồng bào dân tộc thiểu số được đề cao, qua đó, thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế, ý thức tự giác trong chấp hành pháp luật của bà con. Nhiều người đã trở thành tấm gương sáng cho cộng đồng trong chấp hành pháp luật và tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Đối với các đơn vị BĐBP đứng chân trên địa bàn có khu công nghiệp, đã phối hợp với Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền, PBGDPL cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội cho các đối tượng đoàn viên là công nhân, lao động trẻ đang làm việc tại các khu công nghiệp. Biên soạn, in ấn, cấp phát hàng vạn tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Luật An toàn vệ sinh lao động... cho công nhân, viên chức, người lao động, các chủ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và làm việc ở khu vực biên giới, biển đảo.
Đặc biệt, trước thực trạng nhiều phụ nữ khu vực biên giới là nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại, các đơn vị BĐBP đã đẩy mạnh công tác phối hợp nhằm tuyên truyền hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành cùng các âm mưu, thủ đoạn của đối tượng mua bán người. Bên cạnh đó, luôn tích cực hỗ trợ, chăm sóc y tế đối với nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người và tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cho chị em. Hiệu quả Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, phong trào “Phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới”, các Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”…, đều rất đáng ghi nhận, từng bước nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Đối với nhóm đối tượng người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc… các đơn vị BĐBP đã thường xuyên phối hợp với các ngành Tư pháp, Công an để tuyên truyền, PBGDPL tại các xã biên giới trọng điểm về vi phạm pháp luật bảo đảm đúng mục tiêu, chất lượng và hiệu quả... Đáng chú ý, có nhiều cách làm hay, sáng tạo đã được xây dựng và phát huy hiệu quả tại các địa phương như mô hình “Câu lạc bộ tình thương”, “Câu lạc bộ đồng cảm”… đã tập hợp, giáo dục, cảm hóa các đối tượng nghiện hút và vi phạm pháp luật, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Các mô hình “Đoàn viên, thanh niên đi đầu trong phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh thôn, bản”, “Tuổi trẻ với pháp luật” đã góp phần giáo dục, định hướng lối sống cho thế hệ trẻ ở khu vực biên giới, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tránh xa các tệ nạn xã hội.
Qua 10 năm, Luật PBGDPL đã được các đơn vị Biên phòng thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Điều đó không chỉ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng đặc thù, mà còn giúp nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ cho người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, nạn nhân bạo lực gia đình, người khuyết tật… ở khu vực biên giới. Điều này góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống nhanh chóng, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác PBGDPL với công tác tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn biên phòng.
Lê Hoa