Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 24/03/2023 06:16 GMT+7

Tăng cường nguồn lực cho công tác trẻ em

Biên phòng - Theo thống kê năm 2018, tổng kinh phí phân bổ cho công tác trẻ em thông qua ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) của 62 tỉnh, thành phố gần 147 tỷ đồng (tỉnh Bình Phước không bố trí kinh phí cho công tác trẻ em). Nhằm tăng cường nguồn lực cho công tác trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH luôn tích cực vận động, tranh thủ nguồn lực, mở rộng hợp tác cả song phương và đa phương, cả về tài chính và kỹ thuật trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ LĐ,TB&XH, công tác trẻ em vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội về công tác trẻ em chưa thực sự đầy đủ. Công tác chỉ đạo thực hiện ở một số địa phương còn chậm hoặc thực hiện chưa đầy đủ, chưa tương xứng với tiềm lực của địa phương; việc thực hiện chế độ báo cáo về tình hình thực hiện công tác trẻ em ở địa phương còn chậm, chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em tại địa phương làm ảnh hưởng đến việc nắm thông tin để kịp thời tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách cũng như những giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực hiện quyền trẻ em.

Điều 90 của Luật Trẻ em 2016 giao UBND các cấp “Chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyền trẻ em; bố trí và vận động nguồn lực đản bảo thực hiện quyền trẻ em...”, “UBND cấp xã giao nhiệm vụ cụ thể về thực hiện quyền trẻ em, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em...”, nhưng nhiều tỉnh, thành phố chưa quan tâm, bố trí ngân sách cho bảo vệ trẻ em. Một số xã, phường, thị trấn chưa thật sự quan tâm bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em. Năng lực cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở cơ sở còn hạn chế.

Để thực hiện tốt hơn công tác trẻ em trong thời gian tới, Bộ LĐ,TB&XH đề nghị cần rà soát hệ thống pháp luật để hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến trẻ em. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho trẻ em. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thực hiện quyền trẻ em, trong đó tập trung vào việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về trách nhiệm thực thi các quy định của pháp luật về công tác trẻ em ở các bộ, ngành, địa phương. Đề nghị Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ em, trong đó tập trung vào việc bố trí nhân lực, nguồn lực và giải quyết các vụ việc liên quan đến thực hiện quyền trẻ em.

P.V

Bình luận

ZALO