Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 06/12/2023 02:01 GMT+7

Tăng cường ngăn chặn bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em

Biên phòng - Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành chất vấn đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong đó, đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp; trẻ em ở vùng sâu, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) bị hạn chế quyền được học tập, vui chơi, giải trí...

z7be_14a
BĐBP hỗ trợ xây dựng nhiều phòng học đạt chuẩn mầm non trên biên giới. Ảnh: Viết Hà

Chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu lên thực trạng: Việc xâm hại tình dục trẻ em hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều câu chuyện đau lòng xẩy ra khi trẻ bị xâm hại. Chúng ta có 17 cơ quan phụ trách vấn đề này, song gia đình có trẻ bị xâm hại lại rất đơn độc. Còn theo đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đang gây bức xúc dư luận. Theo báo cáo của các cơ quan tư pháp, xâm hại tình dục mỗi năm có khoảng 1.500 vụ. Đại biểu Nga đề xuất, Bộ cần phối hợp với các cơ quan liên quan vào cuộc quyết liệt hơn nữa và đưa ra những giải pháp mạnh mẽ chặn đứng tình trạng này.

Trước những ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận thực trạng và cho rằng, những con số báo cáo mới thể hiện phần nổi của “tảng băng chìm”, thực tế con số còn lớn hơn rất nhiều, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên các gia đình không báo cáo cơ quan chức năng. “Khung pháp lý để xử lý vấn đề này đã đầy đủ, được quy định trong Luật Trẻ em, Nghị định 56/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Trẻ em; Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2017 về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phân công rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, từng địa phương.

Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành nhiều giải pháp, tuyên truyền, vận động; xây dựng đường dây nóng 111; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm một số vụ việc, đặc biệt là các vụ nổi cộm. Tuy nhiên, một số vụ xâm hại tình dục trẻ em vẫn xử lý kéo dài, thậm chí xử lý chưa nghiêm minh; nhiều vụ việc khi có ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì mới tiến hành” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần phải phân loại để tìm ra giải pháp bảo vệ trẻ em. Theo các số liệu thống kê, có 59,9% số vụ có hành vi xâm hại trẻ em là người thân, người quen. Do đó, trong thời gian tới, phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tiến hành sửa đổi những văn bản pháp luật liên quan, để có cơ sở pháp lý đủ mạnh xử lý các đối tượng vi phạm nhằm giáo dục, răn đe. Đặc biệt, các quy định pháp lý phải quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, UBND các cấp. Cùng với đó, đề cao trách nhiệm của cha, mẹ, các anh, chị trong gia đình, cũng như nhà trường và xã hội.

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, để ngăn chặn tình trạng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em, ngoài hoàn thiện hệ thống pháp luật, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan để đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với loại tội phạm này. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo cũng như giáo dục kỹ năng cho các em, đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc và đặc biệt, khi phát hiện phải xử lý nghiêm minh để răn đe, giáo dục chung trong toàn xã hội.

Về thực trạng trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS bị hạn chế về quyền trẻ em, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thực tế hiện nay, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi có nhiều khó khăn, không được hưởng hoặc được hưởng rất hạn chế về quyền trẻ em như: Quyền được vui chơi, giải trí và các điều kiện học hành...

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các địa phương đã có nhiều chính sách chăm lo cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và đã đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng vẫn còn một số hạn chế. Đại biểu đề nghị, Bộ trưởng cho ý kiến về một số giải pháp: Cần chuẩn hóa về đầu tư xây dựng trường học đảm bảo vừa hoc, vừa làm chức năng vui chơi, giải trí miễn phí cho các em ở các vùng này. Bên cạnh đó, cần có chế độ dinh dưỡng, miễn phí về sữa học đường; cung cấp đồ ấm cho trẻ em, đảm bảo đủ ấm vào mùa đông.

“Trong tháng 7-2018, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các bộ triển khai xây dựng đề án trình Chính phủ thực hiện giúp trẻ em vùng sâu, miền núi, vùng DTTS được tiếp cận tốt hơn với các quyền được học tập, vui chơi, giải trí...” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách an sinh xã hội cho trẻ em vùng sâu, miền núi, vùng DTTS, nhưng tỷ lệ các em được thụ hưởng các quyền lợi còn hạn chế. Trước hết, đây là trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước, mặc dù Bộ đã cố gắng phối hợp Ủy ban Dân tộc của Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc, giám sát, nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2085, ngày 31-10-2016 phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020, nhưng đến nay chậm được cụ thể hóa.

 Viết Hà

Bình luận

ZALO