Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:34 GMT+7

Tăng cường kiểm soát nợ công, quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại

Biên phòng - Sáng 16-11, Quốc hội (QH) đã khai mạc phiên chất vấn các Bộ trưởng, trưởng cơ quan ngang bộ, trong đó Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đăng đàn trả lời chất vấn trước QH. Qua chất vấn, các đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến những vấn đề “nóng” liên quan đến ngành tài chính như tình hình nợ công, buôn lậu...

ewy6_5
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn trước QH. Ảnh: Viết Hà

Không nới trần nợ công

Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề nợ công được các đại biểu đặt nhiều cầu hỏi. Trong đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính có những biện pháp để kiểm soát an toàn nợ công, nhưng vẫn huy động vốn đảm đảm cho đầu tư phát triển đất nước.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong những năm gần đây, nợ công đang có chiều hướng giảm dần, giai đoạn 2011-2015 mỗi năm nợ tăng 18,4%, năm 2016 là 15% và 2017 chỉ còn 9%. Bộ Tài chính đã tham mưu với Chính phủ ban hành Chỉ thị 02 về tăng cường quản lý nợ công; trình QH ban hành Kế hoạch tài chính 5 năm, trong đó đã đưa vào những giải pháp giảm nợ công, sử dụng vốn vay hiệu quả. Bước đầu, đã cơ cấu lại nợ công có kết quả, trần nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép, kiểm soát mức độ gia tăng và kéo dài được kỳ hạn phát hành trái phiếu. 

Để làm rõ hơn về vấn đề nợ công tăng cao, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có giải trình thêm: "Chúng ta đang đứng trước nhiệm vụ kép, vừa đầu tư vốn phát triển nhanh, bền vững, vừa phải kiểm soát tốt nợ công. Nhiều chuyên gia đã đề nghị Chính phủ nới trần nợ công. Tuy nhiên, Chính phủ không nhất trí với phương án này. Chính phủ đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh tái cơ cấu nợ công, cơ cấu lại thu, chi ngân sách Nhà nước, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn và hiệu quả..."

Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, quy mô nợ công đến 2020 là không quá 65% GDP. Do đó, cần thực hiện các giải pháp về thực hành tiết kiệm, siết chặt kỷ cương tài chính ngân sách, công khai minh bạch, phòng chống tham nhũng lãng phí. Tạo nguồn thu vững chắc, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đầu tư tăng trưởng. Đồng thời, hoàn thiện chính sách thu, tăng cường chống thất thu thuế, chống chuyển giá, điều chỉnh một số khoản thu nội địa, nuôi dưỡng nguồn thu để đảm bảo nguồn thu hợp lý, lâu dài...

Cải cách hành chính, tăng cường chống buôn lậu

Bên cạnh vấn đề nợ công, các đại biểu quan tâm nhiều đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, chống buôn lậu, hàng giả. Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi về việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia để cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác xuất nhập khẩu.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Cơ chế một của quốc gia đã kết nối 11 bộ, ngành, xử lý hơn 581.000 bộ hồ sơ, đem lại lợi ích rất lớn cho cộng đồng, doanh nghiệp. Qua khảo sát của Ngân hàng Thế giới, thời gian thông quan hàng xuất khẩu đã giảm được 3 giờ, nhập khẩu giảm 6 giờ. “Chi phí thông quan một lô hàng giảm 19 USD. Ước tính 10 tháng của năm 2017 tiết kiệm được 170 triệu USD cho doanh nghiệp”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận số lượng thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ tăng cường kết nối để giảm các thủ tục hành chính.

Về vấn đề liên quan khác, đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) nêu vấn đề: Tình trạng buôn lậu, hàng giả diễn ra phức tạp, Chính phủ đã có những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này? Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Từ năm 2016 đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý 411.462 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, thu nộp ngân sách 39.600 tỷ đồng. Các lực lượng Công an, BĐBP, Cảnh sát Biển, Hải quan, Thuế đã có những biện pháp đồng bộ đấu tranh hiệu quả với buôn lậu.

Bộ trượng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, để giải quyết vấn đề này, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định kiểm soát chất lượng nguồn gốc của mỹ phẩm, dược liệu, thực phẩm chức năng,… thực hiện các kế hoạch chuyên đề trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; tiếp tục rà soát, sửa đổi một số chính sách, đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp với các giải pháp răn đe nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp, người dân tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... Đồng thời, các lực lượng tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, tập trung đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng buôn lậu, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Viết Hà

Bình luận

ZALO