Biên phòng - Để nâng cao giá trị hải sản xuất khẩu theo tiêu chuẩn châu Âu, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan nhằm tuyên truyền và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đánh bắt của ngư dân trên biển. Các chủ phương tiện phải thực hiện việc đăng ký, trình báo và ghi rõ nguồn gốc đánh bắt hải sản và ngư trường hoạt động khai thác trên biển.
Tại cảng cá Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, bên cạnh chuẩn bị ngư lưới cụ, nhu yếu phẩm cần thiết cho chuyến biển dài ngày thì một trong những vật dụng không thể thiếu đối với mỗi tàu cá là cuốn nhật ký đánh bắt hải sản. Đây là tài liệu rất hữu ích được mỗi chủ tàu mang theo trong mỗi chuyến ra khơi. Kể từ ngày được các lực lượng chức năng tuyên truyền về các quy định khi hoạt động trên biển, ngư dân Trần Xuân Thành, ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu luôn chuẩn bị đầy đủ các thủ tục cần thiết để đảm bảo cho chuyến biển an toàn và thắng lợi.
Cầm những giấy tờ liên quan để trình các cơ quan chức năng kiểm tra, anh Thành cho biết: Việc đăng ký ra vào bến, ngư trường hoạt động của phương tiện nhằm giúp các lực lượng chức năng quản lý, theo dõi nguồn gốc khai thác hải sản, vùng biển, nhật ký đánh bắt, sản lượng đánh bắt và phân loại hải sản. Việc ghi nhật ký cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngư dân, sản phẩm bán ra dễ dàng hơn.
Tuy có những khó khăn ban đầu đối với các chủ tàu vốn chưa quen ghi nhật ký như vĩ độ, kinh độ đánh bắt hải sản, song, được sự hướng dẫn của BĐBP và Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh thì việc ghi nhật ký nguồn gốc đánh bắt hải sản đã được các chủ tàu cá thực hiện nghiêm túc.
Ông Nguyễn Văn Ước, Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Ở Tiến Thủy có một đội tàu khai thác lớn nhất huyện Quỳnh Lưu. Để đảm bảo an toàn cho ngư dân khai thác trên biển, cấp ủy, chính quyền cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý điều hành, nhất là tuyên truyền cho các chủ phương tiện khai thác đúng ngư trường, quá trình hoạt động của tàu phải có nhật ký khai thác, trong nhật ký có kinh độ, vĩ độ và có chủng loại, sản lượng rất đầy đủ, qua đó, bà con đã tuân thủ rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, vẫn có những chủ phương tiện khai thác tuyến này, về khai báo tuyến khác. Để khắc phục tình trạng trên, UBND xã đã phối hợp với Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận và Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tuyên truyền, hướng dẫn bà con ngư dân thực hiện đúng quy định.
Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận hiện quản lý địa bàn 9 xã khu vực biên giới biển với 996 tàu thuyền có công suất trên 90CV. Mỗi ngư dân, mỗi con tàu là một cột mốc sống khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên vùng biển, khi họ vươn khơi bám biển. Những năm gần đây, để hỗ trợ ngư dân bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, BĐBP Nghệ An, các lực lượng liên quan và chính quyền các địa phương ven biển đã có nhiều chương trình hỗ trợ, để ngư dân sát cánh ra khơi.
Ngoài việc vận động ngư dân đoàn kết, tương trợ nhau trong quá trình khai thác hải sản một cách hiệu quả, khi tàu thuyền gặp sự cố, qua máy bộ đàm, bà con trong các tổ thông báo cho nhau đến ứng cứu. Cùng với việc tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung, cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận đã trực tiếp đến từng tàu, gặp gỡ các chủ phương tiện để tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân ghi nhật ký đánh bắt hải sản và chuẩn bị đầy đủ thủ tục trước khi xuất bến.
Rời cảng cá Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận, chúng tôi có mặt tại cảng cá Cửa Hội thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò – Bến Thủy. Tại đây, ngư dân Lê Văn Kỷ, trú ở khối Hải Lam, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò đang hoàn tất các thủ tục để cặp tàu giã của gia đình đủ điều kiện ra khơi. Cách đây 6 năm, gia đình anh Kỷ mua lại cặp tàu giã để hành nghề trên biển. Sau thời gian sử dụng gia đình đã cho tàu lên đà để bảo dưỡng, vừa đảm bảo an toàn phương tiện, vừa hoàn chỉnh các loại giấy tờ theo quy định khi hành nghề trên biển. Sau 15 ngày, gia đình anh đã hoàn thành việc bảo dưỡng cặp tàu và đến Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Hội để làm thủ tục sơn lại biển số theo quy định.
Dừng tay sửa soạn những giấy tờ cần phải có cho một chuyến đi biển, ngư dân Lê Văn Kỷ cho biết, trong quá trình làm việc, Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân. Không chỉ làm thủ tục nhanh, cán bộ trạm đã tuyên truyền về việc đánh bắt tại các tọa độ đã đăng ký và phổ biến những tọa độ, vị trí không được phép giúp chúng tôi hiểu và thực hiện đánh bắt đảm bảo an toàn.
Anh Kỷ cũng cho hay, nhằm giúp ngư dân nắm bắt và hiểu rõ các quy định khi hành nghề trên biển, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền tại các phường, xã để thông tin cụ thể những nội dung, quy định về hành nghề trên biển đối với các ngư dân và các hộ dân có người thân tham gia hành nghề trên biển, qua đó từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân trong hoạt động khai thác hải sản trên biển...
Hải Thượng