Biên phòng - Trên toàn cầu, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 6 chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu (BĐKH). Mỗi năm, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp và không thể dự báo trước được gây ra tỷ lệ tử vong và thiệt hại cho cơ sở hạ tầng rất cao và tác động xấu đến sinh kế của dân cư vùng ven biển. Trước đòi hỏi của thực tế, Việt Nam đã tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực chống chịu với tác động của BĐKH, nhất là khu vực ven biển.
Theo kịch bản BĐKH, nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m sẽ có 10,8 triệu người ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng chịu ảnh hưởng. Khoảng 10,21% GDP, 7,14% diện tích đất nông nghiệp, 28,67% diện tích đất ngập nước và 10,74% diện tích đô thị sẽ bị ảnh hưởng.
Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố ven biển. Đây là những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của rất nhiều cơn bão lũ, hạn hán. Do tác động của BĐKH, thiên tai diễn ra ngày càng cực đoan. Ở một số địa phương, bờ biển đã lấn vào đất liền tới vài trăm mét, buộc hàng trăm hộ gia đình phải di dời và thay đổi sinh kế.
Một ví dụ điển hình khác là đợt hạn hán kỷ lục xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2016 đã gây ra xâm nhập mặn nghiêm trọng trên 1,4 triệu ha đất canh tác, khiến 22% diện tích lúa ở nơi này không thể trồng trọt được (chiếm 12% sản lượng lúa quốc gia và 8% GDP nông nghiệp của đất nước), ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của khoảng 3 triệu nông dân trồng lúa.
Xây dựng 3.500 nhà an toàn chống bão
Để giảm thiểu rủi ro do thiên tai, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thích ứng với BĐKH. Một trong số đó là Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của BĐKH cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam”.
Ông Trần Văn Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đây là dự án đầu tiên được Quỹ Khí hậu xanh (GCF) thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ cho Việt Nam. Mục tiêu của dự án đến năm 2021 là xây 4.000 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt, trồng và phục hồi 4.000ha rừng ngập mặn, từ đó giảm 1,9 triệu tấn CO2 tương đương và 20.000 người tiếp cận thông tin về BĐKH, thiên tai.
Tính đến cuối năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các trận bão, lụt ở miền Trung, với sự hỗ trợ của dự án, đã có hơn 3.500 căn nhà an toàn chống chịu bão, lụt được xây dựng, hơn 3.300ha rừng ngập mặn được trồng mới và phục hồi, giúp giảm hơn 146.000 tấn CO2 tương đương.
Trong đợt bão, lũ lụt trầm trọng tại miền Trung từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 11-2020, những ngôi nhà an toàn, phòng, chống bão đã cứu hàng ngàn người thoát khỏi nguy hiểm. Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy rằng, những ngôi nhà chống chịu bão lũ của chúng ta đã được chứng minh là rất thành công qua những trận lũ, bão vừa rồi và đã giúp cứu sống nhiều người dân và duy trì sinh kế của họ. Dựa trên kết quả này, chúng tôi đã có thể huy động thêm khoản hỗ trợ khẩn cấp hơn 1,4 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ cho thêm 3.200 hộ gia đình ở 5 tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nặng nề nhất tại miền Trung Việt Nam, những người sẽ được sửa chữa nhà với các tính năng chống chịu bão lũ được áp dụng trong dự án”.
Hiện nay, 28 tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam cần phải xây dựng hơn 100.000 ngôi nhà an toàn chống chịu được bão, lũ, trong đó, nhu cầu cấp thiết là cần xây 24.000 ngôi nhà như vậy ở các khu vực ven biển. Theo bà Caitlin Wiesen, chương trình nhà ở an toàn là một ví dụ điển hình về cách UNDP có thể nhân rộng kết quả từ dự án này sang các cộng đồng ở các khu vực khác tại Việt Nam.
Thay đổi sinh kế cho người dân
Cùng với việc xây dựng nhà chống bão, lũ, các địa phương ven biển Việt Nam với sự hỗ trợ của GCF, các địa phương đã và đang triển khai các mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH cho người dân ven biển.
Riêng tại tỉnh Thanh Hóa, đã có 7 mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH được triển khai trên địa bàn các huyện ven biển với hơn 140 gia đình được thụ hưởng. Trong đó, mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng xen ghép cá rô phi, nuôi ong lấy mật đang được đánh giá là mang lại hiệu quả cao. Tận dụng lợi thế rừng sú vẹt ven biển có nguồn hoa dồi dào, mô hình nuôi ong lấy mật gắn với tiêu thụ sản phẩm đã được triển khai tại một số xã, trong đó có xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc).
Đầu năm 2020, GCF đã hỗ trợ 180 đàn ong cho 40 hộ dân trong xã nuôi. Ngoài hỗ trợ con giống, chuyển giao kỹ thuật, dự án còn hỗ trợ thức ăn trong quá trình “dưỡng ong”. Qua một thời gian ngắn triển khai, mô hình đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Đàn ong phát triển tốt, sản lượng mật trung bình đạt 7kg mật/đàn/4 tháng, cao gấp đôi sản lượng so với trước đây. Giá bán dao động khoảng từ 200 đến 250 nghìn đồng/kg mật. Thu nhập từ nuôi ong lấy mật cao hơn nhiều so với sản xuất lúa, hoa màu.
Còn tại Cà Mau, cùng với hỗ trợ bổ sung, phục hồi, nâng cao chất lượng rừng và trồng mới rừng ngập mặn ven biển, hàng triệu con tôm sú, cua giống đã được hỗ trợ sinh kế cho gần 150 hộ dân huyện Phú Tân trong năm 2020. Nhiều hộ gia đình đã có sinh kế bền vững, thoát khỏi tình trạng đói nghèo.
Đến nay, Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của BĐKH cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” đã triển khai thành công 24 mô hình sinh kế giúp mang lại thu nhập cho các hộ nghèo ven biển và hơn 39.000 cán bộ, người dân được tập huấn về lập kế hoạch và đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Kết quả của các mô hình do dự án triển khai thực hiện đã giúp người dân ven biển thích ứng được với BĐKH, có sinh kế bền vững, mở ra kỳ vọng trong tương lai.
Thu Hằng