Biên phòng - Năm 1991, Bộ Tư lệnh BĐBP và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam ký kết Nghị quyết liên tịch về "Vận động phụ nữ các dân tộc trên biên giới, hải đảo". Kể từ đó đến nay, chương trình phối hợp giữa hai ngành đã và đang được quan tâm tăng cường các hoạt động từ Trung ương đến cơ sở. Phóng viên (PV) Báo Biên phòng đã có cuộc trò chuyện với bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, về những suy nghĩ, tình cảm của bà đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

PV: Thưa bà, được biết, khi còn là Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, bà đã đại diện cho Hội ký kết Nghị quyết liên tịch về "Vận động phụ nữ các dân tộc biên giới, hải đảo" với Bộ Tư lệnh BĐBP. Vậy, bà có thể cho biết, vì sao Trung ương Hội LHPN Việt Nam lại chọn BĐBP là lực lượng vũ trang đầu tiên ký kết Nghị quyết liên tịch?
Bà Trương Mỹ Hoa: Trước đó, khi đồng chí Nguyễn Thị Định là Chủ tịch Hội LHPN đã nghĩ phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, không biết chữ, nhiệt tình thì có nhưng còn nhiều cái khó khăn, mà anh em Biên phòng đóng quân ở những vùng sâu, xa, hẻo lánh, gần dân như thế, cho nên cần có Nghị quyết liên tịch để hỗ trợ lẫn nhau. Lúc đầu, các đồng chí Biên phòng đề nghị là đỡ đầu, cũng giống như ngày xưa chúng ta có chị nuôi trong kháng chiến, nhưng chị Định nói không được, mình liên tịch cho bình đẳng.
Quan điểm của chúng tôi lúc đó là: Phụ nữ làm cái gì, Biên phòng làm cái gì, quy định các điều mục rồi hằng năm có kiểm điểm, đánh giá cho rõ ràng, như vậy thì vừa dân chủ, vừa bình đẳng và hai bên cũng có trách nhiệm với nhau, vậy liên tịch này là hỗ trợ rất lớn. Chị em phụ nữ là lực lượng “tai mắt” ở các bản làng, có điều gì thì phản ánh, trao đổi hoặc vấn đề hậu cần, chăm sóc anh em trong những ngày lễ, Tết. Anh em lại giúp hoặc phối hợp với chị em tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ cũng như nhân dân ở vùng biên giới, dạy chữ cho chị em, giúp chị em trong công tác của hội. Tôi biết có nơi anh em Biên phòng còn giúp chị em viết các báo cáo gửi lên trên, vì chị em không biết tiếng Việt.
Với ý nghĩa đó mà Trung ương Hội LHPN Việt Nam ký Nghị quyết liên tịch giữa Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP năm 1991. Khi đó, tôi là người trực tiếp ký, còn bên BĐBP là Trung tướng Trần Linh, Phó Tư lệnh về Chính trị BĐBP. Dù là ký kết Nghị quyết liên tịch đầu tiên nhưng rất mẫu mực trong quá trình thực hiện. Sau này, từ việc ký kết liên tịch mẫu mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận như vậy, Hội LHPN Việt Nam mới mở ra ký Nghị quyết liên tịch với nhiều ngành, nhiều đơn vị khác.
PV: Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả của công tác phối hợp trong thời gian đó?
Bà Trương Mỹ Hoa: Có thể nói, việc ký kết Nghị quyết liên tịch là hết sức thiết thực và có hiệu quả rất cao với các hoạt động trọng tâm như tuyên truyền, vận động nhân dân và hội viên phụ nữ trên khu vực biên giới thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Đồng thời, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hội cơ sở; thực hiện có hiệu quả 2 cuộc vận động và các nhiệm vụ công tác trọng tâm của hội; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa ở khu dân cư", cùng nhau chăm lo giữ gìn đoàn kết quân dân ở địa phương và xây dựng BĐBP vững mạnh toàn diện.
Hai ngành đều có công việc và nhiệm vụ rất cụ thể, thiết thực để hỗ trợ, chia sẻ và làm cho đôi bên đều mạnh lên, làm tốt công tác vận động quần chúng ở vùng biên giới. Hai ngành đã phối hợp khảo sát tình hình và chất lượng hoạt động của các tổ chức hội ở các xã biên giới, hải đảo; xây dựng kế hoạch tham mưu củng cố những nơi yếu kém, tập trung kiện toàn Ban Chấp hành Chi hội Phụ nữ, lựa chọn những cán bộ có phẩm chất, năng lực bồi dưỡng tham gia các cấp hội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở hội ở khu vực biên giới.
Cùng với đó, hai ngành đẩy mạnh các hoạt động công tác hội ở các tuyến biên giới; vận động phụ nữ tham gia phát triển kinh tế – xã hội, lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn biên giới. Sau hàng chục năm kể từ ngày ký kết Nghị quyết liên tịch đầu tiên, cho đến nay, đã có thêm nhiều chương trình phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP với Trung ương Hội LHPN Việt Nam được ký kết qua từng giai đoạn và đều đạt hiệu quả hết sức đáng trân trọng. Chúng ta cần phát huy những kết quả đã đạt được và tăng cương hơn nữa tình cảm gắn bó giữa các cấp hội phụ nữ với BĐBP.
PV: Trong những hành trình lên biên giới của bà, bà có suy nghĩ gì về vai trò của BĐBP trong việc giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn biên giới, hải đảo hiện nay?
Bà Trương Mỹ Hoa: Tôi đánh giá cao và cho rằng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng là những người có năng lực toàn diện trong nhiều lĩnh vực. Có lần, chúng tôi nghe chuyện về anh A Lăng Vĩnh đỡ đẻ cho bà con. Anh là người nhiệt tình, vừa mát tay, vừa có kỹ thuật, vừa chăm sóc chị em khi sức khỏe có vấn đề. Chúng ta chăm sóc nhân dân, chăm lo cho nhân dân, nâng cao đời sống của nhân dân, vừa làm kinh tế kết hợp với quốc phòng, nên tôi cho rằng, biên giới chúng ta là biên giới hòa bình, hữu nghị, vững chắc không phải bằng sắt thép mà bằng ý chí, tình cảm, tinh thần rất “sắt thép” để giữ gìn biên giới.
PV: Là một người rất tâm huyết với việc mang lại ánh sáng tri thức cho trẻ em biên giới, hải đảo, bà có đánh giá như thế nào về Chương trình "Nâng bước em tới trường" của BĐBP?
Bà Trương Mỹ Hoa: Bao năm qua, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng vừa là Bộ đội Cụ Hồ, vừa là người thầy thuốc, người thầy giáo mang quân hàm xanh dạy cho các em... nên tôi thấy đó là những việc làm rất đáng được trân trọng, cần khuyến khích để anh em có thể trực tiếp hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ con em đồng bào dân tộc, bởi anh em hiểu hoàn cảnh, địa hình, phong tục tập quán, tiếng nói của các em. Và tôi nghĩ làm sao phải hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ Biên phòng để anh em có thể thực hiện được nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ lãnh thổ quốc gia, đồng thời, thực hiện thêm các nhiệm vụ khác nhằm giúp đỡ nhân dân, trẻ em biên giới có được một tương lai tốt đẹp hơn.
Đất nước chúng ta có 54 dân tộc anh em từ khi dựng nước đến giờ luôn sát cánh đoàn kết, gắn bó đánh thắng thù trong giặc ngoài và thiên tai khốc liệt..., với sự đoàn kết vững chắc đó thì không gì có thể lay chuyển được. Những việc chúng ta đang làm để hướng về biên giới hôm nay không những mang ý nghĩa nhân văn cao cả, mà còn là công tác đền ơn đáp nghĩa. Bởi vì đồng bào dân tộc ở những vùng biên giới, phên giậu của Tổ quốc, ở biên cương, hải đảo xa xôi đều là những vùng địa chính trị rất quan trọng. Đồng bào trước đã cưu mang cách mạng trong các cuộc kháng chiến, giờ lại ở nơi địa đầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Tôi mong có sự chung tay góp sức cao của cộng đồng chúng ta, đồng hành với truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam để góp phần chăm lo cho đồng bào biên giới có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, xây dựng biên cương ngày một giàu mạnh. Và với truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam thấm đẫm trong quá trình dựng nước, giữ nước thì những điều mong muốn của chúng ta sẽ thực hiện được. Nhưng tôi cho rằng, không phải tự nhiên mà có, chúng ta cần phải tăng cường tuyên truyền, chăm sóc, giáo dục cho mọi người có ý thức đoàn kết, thương yêu vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Tuệ Lâm (thực hiện)