Biên phòng - Vụ việc 437 công dân Việt Nam được lực lượng chức năng Philippines giải cứu khỏi cơ sở đánh bạc ngày 4/5/2023 vừa qua tại tỉnh Pampanga, gần Thủ đô Manila, Philippines tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về bẫy “việc nhẹ, lương cao”.

Mặc dù đã được các cơ quan chức năng, báo chí thông tin tuyên truyền, nhưng nhiều người dân vẫn sập bẫy các chiêu trò lừa đảo của các đối tượng buôn người, khiến họ trở thành nạn nhân bị bóc lột, cưỡng ép lao động… Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong tình hình mới, triển khai thêm nhiều giải pháp mới nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này.
Theo các quan chức Philippines, những lao động trên bị lừa bán sang Philippines, bị giam giữ và ép phải tham gia các vụ lừa đảo trực tuyến. Các nạn nhân bị tịch thu hộ chiếu và bị ép làm việc 18 giờ một ngày. Nếu bị phát hiện trò chuyện với những người xung quanh hoặc nghỉ lâu hơn thời gian cho phép, họ sẽ bị trừ lương. Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Philippines xác định tình trạng cư trú của lao động; phối hợp cung cấp thông tin để thúc đẩy chính quyền sở tại sớm đưa ra phương hướng giải quyết và điều tra vụ việc, kịp thời tiến hành công tác bảo hộ công dân, bảo đảm quyền và lợi ích của công dân Việt Nam.
Thời gian gần đây, tình trạng lao động bị lừa xuất cảnh trái phép, bị bóc lột và làm việc bất hợp pháp vẫn diễn ra phức tạp, đặc biệt là tại khu vực biên giới. Từ đầu năm 2022 đến nay, không ít lao động đã bị lừa sang các nước như Campuchia, Lào, Trung Quốc theo những lời hứa hẹn hấp dẫn của các đối tượng lừa đảo, buôn người. Các đối tượng trong và ngoài nước có sự câu kết, móc nối, hình thành đường dây mua bán người xuyên quốc gia, với phương thức, thủ đoạn tinh vi, như: Lấy danh nghĩa các công ty môi giới hôn nhân, môi giới lao động, sử dụng các nền tảng trực truyến để tiếp cận, lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động, ép kết hôn trái pháp luật và bóc lột tình dục... Hoạt động tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép có xu hướng gia tăng cả về số vụ, nạn nhân và mức độ nghiêm trọng.
Nổi lên nhất là hoạt động của các đối tượng người Việt Nam tại nước ngoài câu kết với đối tượng ở trong nước quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tuyển lao động “việc nhẹ, lương cao”; sau đó tổ chức xuất cảnh ra nước ngoài (bao gồm cả xuất cảnh hợp pháp và trái phép) để ép buộc làm việc trong các công ty đánh bạc trực tuyến hoặc lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Nếu các lao động không hoàn thành chỉ tiêu (lừa được từ 3-4 người tham gia đánh bạc trực tuyến hoặc doanh số đạt từ 4 triệu đồng/ngày trở lên) sẽ bị đánh đập, giam giữ. Nếu các lao động này muốn trở về Việt Nam thì bị ép phải trả tiền chuộc... dẫn đến việc một số lao động phải trốn chạy và nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
Trước thực trạng tội phạm mua bán người núp bóng tuyển dụng lao động gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về quyền con người, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị của mỗi quốc gia, các bộ, ngành Trung ương, địa phương, trong đó có Bộ Quốc phòng, đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ (Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc) về triển khai công tác phòng, chống mua bán người và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Với vai trò là Cơ quan thường trực phòng, chống mua bán người của Bộ Quốc phòng, giai đoạn 2021-2025, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng và hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; xuất, nhập cảnh trái phép; giải cứu nạn nhân bị cưỡng ép lao động bất hợp pháp.
Năm 2022, các đơn vị trong BĐBP đã bắt giữ, xử lý 58 vụ/28 đối tượng mua bán người, giải cứu 88 nạn nhân, trong đó, có nhiều nạn nhân của các đường dây lừa lao động bất hợp pháp; kịp thời ngăn chặn 520 công dân Việt Nam không xuất cảnh ra nước ngoài lao động trái phép ngay tại cửa khẩu và trên biên giới. Bên cạnh đó, các đơn vị trong BĐBP đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các nguy cơ về lao động bất hợp pháp, phòng chống tội phạm mua bán người được 35.809 buổi/1.002.661 lượt người tham gia; cấp phát 104.018 tờ rơi, khẩu hiệu.
Giai đoạn 2018-2022, cả nước đã phát hiện 440 vụ với 876 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người với 1.240 nạn nhân. Tuy nhiên, số lượng các vụ phạm tội mua bán người được phát hiện, điều tra, xử lý còn ít so với tình hình thực tế. Đầu tháng 5 vừa qua, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Qua khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại một số địa phương trong năm 2023 cho thấy, một số quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan không còn phù hợp; đồng thời, cũng có nguyên nhân từ khâu tổ chức thực hiện pháp luật chưa thật sự hiệu quả. Tình hình trên đặt ra yêu cầu cần có đánh giá chính xác thực trạng chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người trên phạm vi cả nước; thực trạng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về mua bán người, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan và có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.
Trong năm 2022, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đã bắt giữ, giải cứu, tiếp nhận và xử lý 63 vụ/28 đối tượng/113 nạn nhân bị mua bán; rà soát, sàng lọc công dân do nước ngoài trao trả 12 đợt, phát hiện 30 trường hợp có dấu hiệu bị mua bán.
Tại phiên giải trình, để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; chú trọng tuyên truyền, phổ biến về tình hình tội phạm, nguy cơ, phương thức, thủ đoạn tội phạm mua bán người thường sử dụng; tập trung vào các đối tượng có nguy cơ bị mua bán với phương pháp phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, phong tục, tập quán. Bên cạnh đó, tăng cường lồng ghép có hiệu quả nội dung phòng, chống mua bán người vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua bán người.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Công an, BĐBP các tỉnh, thành tăng cường quản lý địa bàn, biên giới, trên biển, xuất nhập cảnh, tạm trú, tạm vắng…; thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người; tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong giải cứu, tiếp nhận nạn nhân, nhất là trong việc cấp giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động đưa người đi lao động ở nước ngoài, cho nhận con nuôi kết hôn có yếu tố nước ngoài; sớm trình cơ quan có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền sớm sửa đổi các quy định liên quan đến chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng... để hỗ trợ nạn nhân hiệu quả hơn, nhất là hỗ trợ ban đầu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. HĐND các cấp quan tâm việc lồng ghép công tác phòng, chống mua bán người vào các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường hoạt động giám sát phòng, chống mua bán người.
Thu Minh