Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 10/06/2023 06:53 GMT+7

Tăng cường đối thoại với nhân dân để giải quyết hiệu quả việc khiếu nại, tố cáo

Biên phòng - Chiều 7-11, sau khi Quốc hội (QH) ngheo báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Tư pháp của QH đã có báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ và các đại biểu thảo luận về những vấn đề còn tồn tại trong công tác xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác tiếp công dân. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, QH có biện pháp hạn chế các vụ viêc khiếu nại đông người, kéo dài liên quan đến lĩnh vực đất đai.

ngo-duy-hieu
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, thiếu sâu sát với dân, chưa coi trọng đối thoại với nhân dân là những nguyên nhân của khiếu nại, tố cáo. Ảnh: Văn Bình

Tiếp công dân chưa "thấu tình đạt lý"

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định, tuy tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm 2017 giảm nhiều trên hầu hết các tiêu chí nhưng diễn biến khiếu nại, tố cáo vẫn phức tạp. Số đơn khiếu nại, tố cáo vẫn tập trung nhiều ở lĩnh vực đất đai, nhà ở; tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp vẫn còn nhiều; một số vụ khiếu nại tập trung đông người gây mất trật tự công cộng.

Ủy ban Pháp luật của QH nhận thấy, nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn là những bất cập của công tác quản lý nhà nước; một số chính sách, pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính ổn định; chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước, doanh nghiệp trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản, bảo vệ và phát triển rừng, đầu tư các dự án trong lĩnh vực giao thông theo hình thức BOT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... Bên cạnh đó, lãnh đạo và cán bộ có thẩm quyền ở một số cơ quan còn né tránh, chưa làm hết trách nhiệm trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là từ cơ sở...

Thảo luận tại hội trường về nội dung này, đa số ý kiến cho rằng, việc khiếu nại, tố cáo ngày càng giảm, nhưng tính chất các vụ việc trở nên nghiêm trọng, gay gắt, dẫn đến tình trạng bị các đối tượng thù đich lợi dung làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là do công tác tiếp công dân chưa thấu tình đạt lý, khiến người dân mất lòng tin.

Theo đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương), việc tiếp công dân không chu đáo, đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn lòng vòng, có những vụ việc đơn giản vẫn phát sinh đơn thư khiếu nại, dẫn đến tình hình trở nên phức tạp. “Để việc giải quyết tố cáo, khiếu nại tốt hơn, trong quá trình giải quyết các khiếu nại, tố cáo, cơ quan thụ lý cần kết luận đúng - sai có lý có tình, giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở, cần có đánh giá cán bộ tiếp công dân có hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không” - Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng nhấn mạnh.

Đồng tình với đại biểu Hoàng Quốc Thưởng, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ, QH tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là quy định về trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu, trách nhiệm tuân thủ đúng thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung rà soát những tồn tại, bất cập của chính sách pháp luật, đặc biệt pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường, quản lý tài sản của Nhà nước và một số lĩnh vực khác có phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước khi thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội nhằm góp phần hạn chế nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Cần gần dân, lắng nghe và đối thoại với nhân dân

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), chính việc thiếu sâu sát, thiếu lắng nghe ý kiến của nhân dân và ít đối thoại với nhân dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ là một trong những nguyên nhân của khiếu nại, tố cáo trong thời gian vừa qua. Đại biểu Hiểu cho rằng, việc trong dân xảy ra hằng ngày, từ việc nhỏ đến việc bức xúc, phức tạp, có những việc tạo thành “điểm nóng. Vấn đề đặt ra là cán bộ cơ sở có thực sự sâu sát, gần dân, nắm bắt các vấn đề trong dân, lắng nghe, chia sẻ, đối thoại với dân, cùng dân giải quyết khi các vụ việc mới manh nha hay không.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu lấy ví dụ Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường, một tuần trước, đã chủ trì buổi đối thoại với gần 300 tiểu thương ở chợ Sặt, Biên Hòa, Đồng Nai. Sau vài giờ đối thoại, nhiều chính sách pháp luật đã được giải thích, chia sẻ, nhiều nguyện vọng của tiểu thương được giải quyết, vụ việc cơ bản khép lại sau 11 năm dân khiếu nại. Ngoài ra, còn có nhiều cuộc đối thoại với dân của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng, gần đây là Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng lãnh đạo nhiều địa phương, ngành... đã làm "hạ nhiệt" nhiều “điểm nóng”.

Đại biểu dẫn chứng tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội), khi rà soát thì không phát hiện “điểm nóng” nào mặc dù trước đó, huyện có nhiều vụ việc rất phức tạp. Năm 2014, lãnh đạo địa phương này bắt đầu duy trì việc đối thoại với nhân dân. Từ một huyện đi sau, đi chậm, khó khăn của thành phố, đến nay Phúc Thọ đã có 20/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện đang phấn đấu là một trong 5 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của Hà Nội. 

Khẳng định “dân yên, dân tin, dân ủng hộ thì làm việc gì cũng thành công”, đoàn đại biểu TP Hà Nội kiến nghị, để những vụ việc không đi quá xa thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu các huyện, xã thực hiện nghiêm quy định đối thoại với người dân; thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân của người đứng đầu các cơ quan hành chính; xử lý nghiêm các cán bộ không tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, coi đây là một trong những nội dung công tác cần được kiểm điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Viết Hà

Bình luận

ZALO