Biên phòng - Với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biển miền Trung đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Trước thực trạng trên, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị BĐBP thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh ngăn chặn.

Qua quá trình điều tra, xác minh của các đơn vị BĐBP cho thấy, thời gian cuối năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biển miền Trung đang diễn ra phức tạp, trong đó, các mặt hàng phổ biến vẫn là than, xăng dầu, khoáng sản...
Đối với mặt hàng than chủ yếu được các đầu nậu thu mua từ các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng rồi vận chuyển vào bán cho các công ty tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam để tiêu thụ. Đối tượng tham gia buôn lậu các mặt hàng này chủ yếu là các doanh nghiệp, thu mua than từ các mỏ khai thác trái phép, than trôi nổi trên thị trường, sau đó sàng tuyển, chế biến và hợp thức hóa hồ sơ tránh sự kiểm tra, tạm giữ của lực lượng chức năng.
Phức tạp về hoạt động buôn lậu xăng, dầu diễn ra chủ yếu ở vùng biển các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên... Hoạt động khai thác, vận chuyển trái phép khoáng sản (quặng, cát nhiễm mặn) vẫn tiếp tục diễn ra ở các cửa sông, cửa lạch, ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Bình Định. Lợi dụng việc được cấp phép khai thác, vận chuyển khoáng sản, cát nên các cá nhân, doanh nghiệp hợp đồng thuê tàu, công nhân, phương tiện khai thác lén lút ở ngoài vị trí cấp phép, tránh nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, thu lợi bất chính.
Cùng với đó, nhiều đối tượng, tổ chức cũng lợi dụng hoạt động xuất nhập cảnh hàng hóa tại các cảng để buôn bán các mặt hàng cấm như ngà voi, vảy tê tê. Không chỉ buôn lậu, gian lận thương mại, tuyến biển miền Trung cũng nổi lên với hoạt động dùng các chất, dụng cụ khai thác bị pháp luật cấm để đánh bắt thủy, hải sản theo kiểu tận diệt.
Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, các hoạt động vi phạm trên tuyến biển miền Trung đang diễn biến phức tạp, các đơn vị BĐBP đã tích cực đấu tranh, ngăn chặn và đạt được một số kết quả nhất định. Chỉ tính thời gian cuối năm 2018 đến những tháng đầu năm 2019, BĐBP các tỉnh miền Trung đã bắt giữ, xử lý 1.726 vụ/2.582 đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận trên tuyến biển, xử phạt hành chính và tịch thu hàng hóa xung công quỹ Nhà nước với số tiền khoảng 12 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tháng 7-2018, tại vùng biển Cửa Hội, trong lúc tuần tra, kiểm soát, BĐBP Nghệ An đã phát hiện tàu vận tải Xuân Sơn 27, do ông Trần Văn Lâm, sinh năm 1958, trú tại khối 8, phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, Nghệ An làm Thuyền trưởng, vận chuyển 150m3 dầu đi-ê-den, không có giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Sau đó, BĐBP Nghệ An đã xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của Bộ Tư lệnh BĐBP, kết quả đấu tranh, xử lý buôn lậu của các đơn vị trên tuyến biển miền Trung chưa tương xứng với thực tiễn tình hình đang diễn ra; chưa phát hiện, bắt giữ, xử lý được các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây buôn lậu trên biển.
Nguyên nhân là do công tác nắm tình hình của một số đơn vị chưa toàn diện, chưa kịp thời. Công tác quản lý, kiểm soát tàu thuyền của ngư dân khi ra biển có lúc, có đơn vị chưa duy trì chặt chẽ; tình trạng ngư dân cải hoán tàu cá thành tàu chuyên dụng vận chuyển xăng, dầu để thực hiện hành vi buôn lậu trên biển còn diễn ra. Bên cạnh đó, công tác phối hợp, chia sẻ thông tin với các đơn vị, lực lượng khác cùng đứng chân trên địa bàn chưa thật sự phát huy hiệu quả...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai kế hoạch phối hợp thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào và đấu tranh chống buôn lậu trên tuyến biển miền Trung, diễn ra vào ngày 16-4, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP yêu cầu các đơn vị, căn cứ vào tình hình thực tế địa bàn khẩn trương xây dựng kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển, trong đó, cần xác định địa bàn trọng điểm, đối tượng, phương thức, thủ đoạn mới để đấu tranh. Tập trung chỉ huy, chỉ đạo và tăng cường lực lượng, phương tiện trên các hướng, địa bàn trọng điểm; tiến hành các khâu công tác nghiệp vụ cơ bản, nhất là công tác điều tra quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng liên quan đến hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển.
Kịp thời xác minh, kết luận vụ việc, hiện tượng, đối tượng nghi vấn để chủ động xác lập chuyên án đấu tranh, ngăn chặn, nhằm đánh đúng đường dây, tổ chức, chủ đầu nậu. Làm tốt công tác quản lý nội bộ, tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các đồn, trạm Biên phòng và lực lượng đấu tranh chống buôn lậu không hiệu quả, đồng thời kiên quyết xử lý kỷ luật những cán bộ, chiến sĩ có biểu hiện tiếp tay, bảo kê cho buôn lậu hoặc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm. Tăng cường phối hợp, hiệp đồng với lực lượng công an, hải quan, cảnh sát biển trong đấu tranh chống buôn lậu.
Viết Lam