Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 04:03 GMT+7

Nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát:

Tăng cường chặn dịch ngay từ trên biên giới

Biên phòng - Dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc diễn biến hết sức phức tạp, đang có nguy cơ xâm nhập Việt Nam qua những "lỗ thủng" trên biên giới. Trước mối đe dọa ngày càng cao, các địa phương có đường biên tiếp giáp với các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc đã tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp chặn dịch ngay từ trên biên giới.

yxqz_9b-1.JPG
Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Quảng Ninh triển khai nhân lực và phương tiện hiện đại tại các cửa khẩu biên giới nhằm kiểm soát dịch cúm gia cầm.
Nguy cơ cao

Theo đánh giá của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến ngày 11-2-2014, cả nước đã có 7 tỉnh xảy ra dịch cúm gia cầm (Nam Định, Long An, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Đồng Tháp và Bình Phước). Đặc biệt, tại một số địa phương đã xuất hiện các ổ cúm gia cầm lớn, như xã Phổ Cường (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) với 400 con vịt chết; các huyện Tân Trụ, Châu Thành, Cần Đước (Long An) với khoảng 8.000 con ngan, gà, vịt nhiễm bệnh được tiêu hủy; xã Giao Hà (huyện Giao Thủy, Nam Định) với hàng loạt vịt, ngan chết được xác định là đã nhiễm dịch cúm A/H5N1, xã Anh Sơn (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) với gần 200 con gà bị nhiễm bệnh... Có thể nói, hiện nay, diễn biến dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm ngày càng phức tạp, trong khi kết quả tiêm phòng trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương chưa đạt yêu cầu, nhiều nơi chưa quản lý được đối tượng có nguy cơ cao (hộ nuôi gia cầm nhỏ lẻ, hầu hết không khai báo hoặc đăng ký chăn nuôi với chính quyền địa phương). Đáng lo hơn nữa là việc vận chuyển, tiêu thụ gia cầm chưa được kiểm soát tốt, nhất là hoạt động buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các chợ...

Theo các chuyên gia Cục Y tế dự phòng, nguyên nhân dẫn đến dịch cúm A/H5N1 tái bùng phát là do thời tiết bất thường làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm, các hoạt động vận chuyển, giết mổ gia cầm và di chuyển của người dân dịp Tết Nguyên đán tăng cao, nhiều đàn gia cầm đã hết miễn dịch hoặc được nuôi mới... đã khiến cho dịch bùng phát và lây lan. Điều đáng lo ngại là, trong đợt dịch đã xảy ra một trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H5N1 tại Đồng Tháp (bà Võ Thị U, trú tại ấp Tân Thạnh, xã Tân Long, huyện Thanh Bình). Tuy chưa có dấu hiệu cho thấy dịch bệnh cúm lây truyền từ gia cầm sang người chủng mới (H7N9) diễn biến phức tạp và gia tăng đột biến tại Trung Quốc đang có nguy cơ xâm nhập nước ta qua nhiều cửa khẩu quốc gia và lối mở thông thương.

Tăng "sức đề kháng"

Trước nguy cơ bệnh cúm gia cầm tái bùng phát, các ngành chức năng địa phương trong cả nước đang khẩn trương thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm tăng "sức đề kháng" phòng, chống dịch. Với phương châm phòng ngừa từ xa và phản ứng nhanh, các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Giang, Cao Bằng... đang tăng cường các biện pháp chặn dịch ngay từ trên biên giới, cửa khẩu. Tại Lạng Sơn, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm dịch y tế và Trung tâm Y tế dự phòng tăng cường nhân lực, phương tiện kiểm tra người và phương tiện, hàng hóa nhập cảnh tại các cửa khẩu, siết chặt các lối mở để ngăn chặn gia cầm nhập lậu. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Lạng Sơn, đơn vị đã tăng cường thêm nhân lực và phương tiện, máy móc, thiết bị y tế tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia, lắp đặt máy đo thân nhiệt tự động, nhằm phát hiện sớm những người có dấu hiệu sốt cao - một biểu hiện đặc trưng của bệnh cúm A/H7N9, đồng thời, khi phát hiện người có dấu hiệu mang bệnh bố trí phòng cách ly tại chỗ để xử lý kịp thời. Song song với đó, các ban, ngành chức năng của tỉnh như Cục Hải quan, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tích cực vào cuộc ngăn chặn triệt để gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.
1e7r_9c-1.jpg
Trong lúc dịch cúm gia cầm đang bùng phát, hoạt động buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các chợ chưa được kiểm soát tốt.

Tại Lào Cai, lãnh đạo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lào Cai cho biết, công tác giám sát dịch bệnh đang được đặt lên hàng đầu, từ việc giám sát dịch bệnh cho hành khách nhập cảnh tới việc giám sát dịch bệnh trên gia cầm. Trung tâm chỉ đạo các tổ y tế kiểm dịch tại cửa khẩu, giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường phun thuốc khử trùng các phương tiện vận tải từ biên giới vào, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, máy móc sẵn sàng ứng phó với nguy cơ cúm A/H7N9. Còn tại TP Móng Cái (Quảng Ninh), công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi, hộ kinh doanh, buôn bán gia cầm nhận thức rõ, đầy đủ về nguy hại của dịch cúm gia cầm đang được "đẩy" lên ở mức cao nhất. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát các khu vực kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh gia cầm, phụ phẩm gia cầm trái phép. Đặc biệt, Trung tâm đã phối hợp với cơ quan chức năng phía cửa khẩu Trung Quốc khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc lây truyền sang Việt Nam bằng việc duy trì chế độ trao đổi thông tin về tình hình dịch cúm giữa hai cơ quan tại hai cửa khẩu, áp dụng thủ tục tờ khai sức khỏe đối với du khách từ vùng có dịch khi đi qua cửa khẩu Móng Cái. Khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm vi-rút cúm, Trung tâm sẽ phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Móng Cái áp dụng các biện pháp cách ly và điều trị theo phác đồ đã được chỉ định…
Nguyễn Đăng Anh

Bình luận

ZALO