Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 09/06/2023 07:20 GMT+7

Tăng cường cán bộ về vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Một chủ trương đúng đắn, hiệu quả

Biên phòng - Ủy ban Dân tộc (UBDT) vừa trình Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện Quyết định 56/2006/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường có thời hạn cán bộ, công chức về các huyện, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), biên giới. 10 năm qua, Quyết định này đã góp phần củng cố vững chắc hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào DTTS. Nhiều địa phương đánh giá việc đưa cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ về vùng đồng bào DTTS, biên giới đã góp phần giúp địa phương xóa đói giảm nghèo bền vững, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế-xã hội.

580d767015be4d6901000dd4
Đội ngũ cán bộ tăng cường cho vùng đồng bào DTTS đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Ảnh: Bình Minh

Theo báo cáo của UBDT, tính đến tháng 6-2015, 1.180 cán bộ, công chức đã được tăng cường về 58 huyện, 569 xã trọng điểm vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới, trong đó, số tăng cường về cấp huyện là 128 người, cấp xã là 1.052 người. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức tăng cường về cơ sở đã nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công tác dân tộc, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào vùng DTTS.

Thứ trưởng Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm UBDT cho biết, qua đánh giá xếp loại công chức, tỷ lệ cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt trên 95%, tỷ lệ cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ đạt trên 14%, không có cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ và vi phạm kỷ luật, pháp luật.

Theo Thứ trưởng Hà Hùng, để có được kết quả trên là có sự vào cuộc kịp thời của các cấp ủy, chính quyền các cấp. Thời gian qua, các địa phương đã chủ động xây dựng các chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tăng cường về vùng đồng bào DTTS; triển khai thực hiện các chính sách thu hút sinh viên mới tốt nghiệp về phục vụ các xã khó khăn, vùng đồng bào DTTS, biên giới; đồng thời ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ đồng bào DTTS nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương. Tại các địa phương có cán bộ, công chức đến tăng cường đã có sự chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực đời sống xã hội, đẩy mạnh phát triển sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo; tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên...

Đánh giá về chủ trương này, ông Đào Tài Tuệ, Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La nhận định: "Nhìn chung, số cán bộ, công chức tăng cường về các xã khó khăn vùng đồng bào DTTS đã phát huy được năng lực làm việc của mỗi người, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở và giữ vững trật tự an toàn xã hội ở các địa phương".

Cùng quan điểm trên, Thứ trưởng Hà Hùng chia sẻ: "Qua bám nắm từ cơ sở, chúng tôi được phản hồi rất tích cực về đội ngũ cán bộ được tăng cường". Ông cho biết thêm, đa phần cán bộ, công chức tăng cường đã phát huy được vai trò của mình tại nơi đến tăng cường, qua đó tạo được bước chuyển biến rõ rệt về nhận thức trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, thay đổi lề lối làm việc của cán bộ, công chức ở cơ sở, từ đó triển khai thực hiện tốt hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đội ngũ cán bộ tăng cường còn rất tích cực giúp cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể của các xã trong việc cải cách hành chính, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phù hợp với tập quán, văn hóa ở từng địa phương. Đặc biệt, các cán bộ tăng cường đã chủ động đề xuất kịp thời với cấp ủy và chính quyền địa phương những giải pháp phát triển sản xuất, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào DTTS.

Ở một khía cạnh khác, lãnh đạo UBDT đánh giá, đội ngũ cán bộ, công chức tăng cường về các xã vùng đồng bào DTTS không chỉ đóng góp về mặt thay đổi tác phong lề lối làm việc của cấp ủy, chính quyền đoàn thể ở vùng DTTS, mà còn khắc phục dần tình trạng cục bộ địa phương, khép kín, bị động trong công tác cán bộ. Đồng thời, chuẩn bị tốt nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài cho địa phương. Đặc biệt, qua chủ trương này, công tác đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ, công chức là người DTTS được quan tâm hơn, từ đó góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án hướng về cơ sở, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội; xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng-an ninh; củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS.

Chia sẻ về chủ trương tăng cường cán bộ cho vùng đồng bào DTTS, ông Phạm Ngọc Nghĩa, cán bộ huyện Quế Phong, Nghệ An được luân chuyển về xã Tiền Phong, huyện Quế Phong cho biết: "Ở vị trí công việc mới, tôi đã được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện để được tôi luyện trong thực tế, từ đó tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm để nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành ở cơ sở. Đây cũng là tiền đề để tôi có thể phát huy tốt khả năng của mình tại các vị trí công tác sau này".

Được biết, để thực hiện có hiệu quả chủ trương tăng cường cán bộ, công chức về các vùng DTTS trong thời gian tới, UBDT đã đề xuất Chính phủ 5 giải pháp, trong đó tập trung vào các vấn đề như cần xây dựng chính sách đặc thù để thu hút cán bộ, công chức trẻ, những cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành để tăng cường, luân chuyển đến các vùng đồng bào DTTS, biên giới còn nhiều khó khăn. Đồng thời nghiên cứu bổ sung chính sách cho nghỉ chế độ theo độ tuổi phù hợp đối với đội ngũ công chức thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đây là điều kiện tốt để bổ sung, thay thế nguồn cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản ở các nhà trường, góp phần nâng cao năng lực quản lý điều hành ở cơ sở.

Bình Minh

Bình luận

ZALO